Môi trường (old)

Công đoàn Công Thương Việt Nam: Nâng cao vai trò bảo vệ môi trường

Thứ sáu, 23/9/2016 | 14:22 GMT+7
Từ năm 2013, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) và Công đoàn Mỏ - Hóa chất - Năng lượng Đức (IG BCE), Viện FES (Đức) đã ký phối hợp thực hiện dự án “Vai trò của công đoàn ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường” giai đoạn 2013 - 2016. Mới đây, tại Hà Nội, CĐCTVN đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình này.

Dự hội nghị có bà Sonja Schirmbeck - Phó Trưởng đại diện Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES), ông Nguyễn Xuân Thái - Phó Chủ tịch CĐCTVN, Chủ nhiệm chương trình cùng đại diện các cục, ban, ngành có liên quan của Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổng công ty trực thuộc CĐCTVN...

Các doanh nghiệp ngành Công Thương trong quá trình sản xuất luôn chú trọng bảo vệ môi trường.

Chương trình Vai trò của công đoàn ứng phó với biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2013, kéo dài 3 năm theo 3 giai đoạn. Giai đoạn I: Đánh giá tổng quan về các vấn đề môi trường hiện nay tại doanh nghiệp Việt Nam. Giai đoạn II: Thực hiện các hoạt động thực tiễn dưới hình thức tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ môi trường tại một số doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm. Giai đoạn III: Tổng kết và công bố rộng rãi các thông tin thu được từ giai đoạn I và II dưới dạng phát hành sổ tay… CĐCTVN chịu trách nhiệm thực hiện dự án tại Việt Nam. Công đoàn IG BCE đóng góp về chuyên môn, kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí cho dự án theo khuôn khổ ghi trong phụ lục II. Viện FES hỗ trợ triển khai hoạt động dự án tại Việt Nam và tài trợ kinh phí cho dự án…

Chương trình được thực hiện nhằm mục tiêu tìm hiểu thực trạng về vấn đề môi trường hiện nay tại các doanh nghiệp trong ngành Công Thương (chú trọng các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng hoá chất có nguy cơ ô nhiễm cao); tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, thái độ của người lao động, người sử dụng với vấn đề bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường, tổ chức các hoạt động về bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp; tập hợp khuyến nghị với cơ quan chức năng về các vấn đề bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Chương trình đã xây dựng được bộ tài liệu tập huấn cơ bản về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, được các chuyên gia, giảng viên, học viên đánh giá tốt, có nội dung phù hợp với việc tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn tại doanh nghiệp.

Theo Báo cáo kết quả thực hiện chương trình giai đoạn 2013 - 2016, chương trình đã đào tạo được 30 giảng viên kiêm nhiệm với 7 lần tập huấn. Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về ô nhiễm môi trường, các loại gây ô nhiễm, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…, đào tạo nâng cao về kỹ năng thuyết trình, phương pháp giảng dạy tích cực, cách sử dụng video, hình ảnh trong bài giảng. Các giảng viên kiêm nhiệm còn được trực tiếp giảng dạy tại các lớp thí điểm cho cơ sở. Thông qua các lớp thí điểm đó, các giảng viên cùng trao đổi, đánh giá về nội dung, phương pháp, thời gian phân bổ, bài tập tình huống, sự phối hợp của các cặp giảng viên… để học viên cùng rút kinh nghiệm cho các bài giảng sau.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều đánh giá cao các kết quả đạt được, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện...; đồng thời cũng đề xuất định hướng, các nội dung cần ưu tiên thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2017 của CĐCTVN.

Ông Nguyễn Xuân Thái – Phó Chủ tịch CĐCTVN:

"Để triển khai kế hoạch hoạt động chương trình trong năm 2017, cần ưu tiên các nội dung: Soạn thảo và in ấn tài liệu tập huấn về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; tổ chức các lớp tập huấn cho công đoàn và an toàn viên tại doanh nghiệp."

PV/Quang Nguyễn