Sản phẩm, công nghệ

Công ty Italy lưu trữ năng lượng tái tạo bằng khí cầu khổng lồ

Thứ sáu, 22/3/2024 | 08:15 GMT+7
Công ty Energy Dome đang sử dụng khí cầu chứa carbon dioxide để lưu trữ năng lượng từ sức gió và ánh sáng mặt trời, qua đó đảm bảo nguồn cung cấp điện.

Ở Ottana, Sardinia, trên khu đất bỏ hoang thuộc nhà máy hóa dầu cũ, một công nghệ mới đang thành hình, có thể giúp làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu. Thành phần chính của công nghệ này là carbon dioxide, nguyên nhân chính gây ấm lên toàn cầu. Energy Dome, công ty khởi nghiệp ở Milan, vận hành một nhà máy lưu trữ năng lượng thử nghiệm hứa hẹn giải quyết sự chênh lệch ở thị trường điện địa phương. "Ở Sardiania vào ban ngày, mọi người đi ra biển. Họ không sử dụng nhiều điện nhưng lượng cung cấp rất nhiều", Claudio Spadacini, giám đốc điều hành Energy Dome nhắc tới ánh sáng mặt trời dồi dào trên hòn đảo Italy.

Nguyên mẫu lưu trữ năng lượng bằng khí cầu của Energy Dome ở Ottana

Energy Dome sử dụng carbon dioxide chứa trong một khí cầu khổng lồ mà công ty gọi là "vòm" như một loại pin. Ban ngày, điện từ lưới điện địa phương bao gồm điện sản xuất ở những cánh đồng pin quang năng gần đó, được dùng để nén carbon dioxide thành chất lỏng. Vào ban đêm, carbon dioxide lỏng chuyển lại thành dạng khí, làm quay turbine và sản xuất điện để đưa trở lại lưới điện.

Điện gió và điện mặt trời là những nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất nhưng phụ thuộc vào tự nhiên để sản xuất điện nên dễ bị gián đoạn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lưu trữ điện tái tạo trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày tới khi cần là mấu chốt để đưa kinh tế tách khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Trong nhiều thập kỷ, nhiều nhà máy điện giải quyết nhu cầu biến động bằng thủy điện tích năng, sản xuất điện khi nhu cầu tăng cao, sau đó bơm nước từ hồ chứa ở vị trí thấp tới hồ cao hơn để lưu trữ năng lượng khi nguồn cung dư thừa. Một số cơ sở lắp đặt thủy điện tích năng để cân bằng với sản xuất điện gió và điện mặt trời. Các cơ sở khác lắp đặt bộ pin lithium-ion để lưu trữ năng lượng dư thừa tạo bởi các nguồn tái tạo. Nhưng những phương pháp lưu trữ này có nhiều hạn chế. Thủy điện tích năng đòi hỏi biến đổi cảnh quan đồi núi và tốn nhiều chi phí xây dựng. Lithium là tài nguyên hạn chế và trở nên cực kỳ tốn kém khi thiết kế để lưu trữ năng lượng lâu hơn 4 giờ.

Theo vnexpress.net