Sức khỏe

Đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

Thứ năm, 11/4/2024 | 14:29 GMT+7
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ Y tế khuyến cáo cần tăng cường tiêm chủng đối với các bệnh đã có vaccine phòng bệnh.

Thông tin tại hội nghị, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023; 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023. Ho gà là bệnh có khả năng ghi nhận số ca mắc mới trong thời gian tới, nhất là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

Ông Hoàng Minh Đức đề nghị cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm (sởi, ho gà, bạch hầu). Xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ. Đối với thủy đậu, cần tăng cường truyền thông với người dân để khuyến khích nguời dân chủ động tiêm chủng dịch vụ. Trường hợp địa phương có số ca mắc lớn thì đề nghị trung tâm kiểm soát bệnh tật đánh giá dịch tễ học; địa phương chủ động vấn đề vaccine tiêm cho trẻ.

Bên cạnh đó, cần tiến hành các biện pháp chống dịch tay chân miệng, đặc biệt ở các cơ sở giáo dục. Riêng đối với ho gà, việc tiêm vaccine dịch vụ ở phụ nữ có thai được khuyến khích trên cơ sở sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine phòng bệnh ho gà đối với phụ nữ có thai nhằm tăng miễn dịch khi trẻ sinh và ngay sau sinh.

Tăng cường tiêm chủng đối với các bệnh đã có vaccine phòng bệnh

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tình hình dịch bệnh ở nước ta còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến khó lường, cùng với thời tiết diễn biến bất thường. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vì vậy, để tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác y tế dự phòng,

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh bố trí kinh phí cho việc triển khai công tác y tế dự phòng, nhất là hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng bằng nguồn kinh phí địa phương. Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đơn vị trong chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống dịch, chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đối với công tác tiêm vaccine phòng chống bệnh.

Triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024 và triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng; tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ là đối tượng tiêm chủng mà chưa được tiêm chủng đầy đủ... Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động triển khai hiệu quả giám sát dựa vào sự kiện, để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế, để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế trường hợp bệnh nặng, tử vong, chú trọng bệnh truyền nhiễm có số ca mắc, tử vong cao, có nguy cơ gia tăng như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, sởi, ho gà... Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Lâm Bảo (T/H)