Nông nghiệp sạch

Đẩy mạnh triển khai mô hình canh tác lúa thông minh, phát triển bền vững

Thứ tư, 13/3/2024 | 17:22 GMT+7
Ngày 13/3, tại tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ Đông Xuân 2023 - 2024 và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trước khi dự hội thảo, các đại biểu đã tham quan mô hình canh tác lúa thông minh, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại ruộng hộ ông Nguyễn Văn Út Em ở ấp 12, xã Vị Trung (Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang). Đây là điểm trình diễn cơ giới hóa và xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh giai đoạn làm đất và gieo sạ nhằm phục vụ sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Mô hình là sự tiếp nối để nhân rộng tiến bộ kỹ thuật “Quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”. Cùng với tập huấn, đào tạo để chuyển giao quy trình canh tác lúa thông minh, việc xây dựng mô hình trình diễn tại các hợp tác xã, nông dân ở các vùng canh tác lớn, trọng điểm nhằm chuyển giao quy trình đến với nông dân hiệu quả hơn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hậu Giang cho biết, Hậu Giang là tỉnh thuần nông với trên 86% diện tích đất nông nghiệp, diện tích lúa gieo trồng hàng năm trên 177.000ha, sản lượng lúa thu hoạch đạt trên 1,1 triệu tấn.

Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

Thực hiện Đề án phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, Hậu Giang xây dựng kế hoạch đến năm 2025 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 28.000ha. Ưu tiên về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và khuyến nông, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất, có chính sách chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, bảo vệ quỹ đất chuyên trồng lúa ổn định, lâu dài.

Bên cạnh đó, tập trung áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật với lượng lúa giống gieo sạ 80 - 100kg/ha, lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học giảm 20%, lượng nước tưới giảm 20%, 100% diện tích áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như "1 phải 5 giảm", SRP, tưới ngập - khô xen kẽ, 100% diện tích có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 70%. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trên 10% so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%.

Đến năm 2030, hình thành 46.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị. Phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Theo Trưởng Ban cố vấn kỹ thuật Chương trình canh tác lúa thông minh Nguyễn Bảo Vệ, quy trình canh tác lúa thông minh đáp ứng 2 tiêu chí là thông minh, phù hợp với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ; không ngừng cập nhật giải pháp kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả.

Qua 7 vụ lúa liên tiếp, hiệu quả mô hình mang lại là năng suất lúa tăng 0,5 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm khoảng 4 - 5 triệu đồng/ha. Về mặt môi trường, canh tác lúa thông minh sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, xử lý tuần hoàn các phụ phẩm rơm, rạ tạo phân bón, phát thải thấp khí nhà kính.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh, đơn vị được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ là đơn vị truyền thông và tổ chức hệ thống khuyến nông cộng đồng tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Theo đó, các giải pháp kỹ thuật được đơn vị áp dụng đồng bộ trên đồng ruộng sẽ góp phần giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm phát thải nhưng lại tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng thu nhập cho nhà nông.

Bảo Ngọc (T/H)