Quy hoạch, xây dựng

Đường bộ cao tốc từ tỉnh Đồng Nai đến Lâm Đồng là bước đột phá

Thứ tư, 12/7/2023 | 15:41 GMT+7
Xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai)-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương (Lâm Đồng) là sự quan tâm cao độ của tỉnh Lâm Đồng và trong tháng 9/2023 sẽ chính thức khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp khẳng định ngày 12/7.

Từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt sẽ chỉ mất 4 giờ

Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt, dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương do HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Cả hai dự án đều theo phương thức đối tác đầu tư (PPP) và thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729-2012). Trong đó, tốc độ thiết kế đoạn Tân Phú-Bảo Lộc 80 km/h, đoạn Bảo Lộc-Liên Khương 100 km/giờ. Tuyến Tân Phú-Bảo Lộc dài 66 km, địa phận tỉnh Đồng Nai 11 km và 55 km còn lại thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng. Tuyến Bảo Lộc-Liên Khương thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng, dài gần 74 km, kết nối với tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và với cung đèo Prenn vào trung tâm thành phố Đà Lạt.

Tuyến cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc có nền 22 mét, 04 làn xe ô tô (giai đoạn hoàn chỉnh có thêm 02 làn dừng xe khẩn cấp liên tục). Dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2026. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 455 ha. Tổng mức đầu tư sơ bộ 17.200 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn các nhà đầu tư khoảng 1.605 tỷ đồng, vốn huy động khác 9.095 tỷ đồng.

Tuyến đường cao tốc đi qua địa phận Lâm Đồng hiện hữu 

Tuyến Bảo Lộc-Liên Khương, giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 04 làn xe ô tô, nền đường rộng 24,75 mét. Trong đó, giai đoạn 1, từ 2022-2025, nền đường rộng 17 mét; tại các vị trí nút giao liên thông nền đường rộng 24,75 mét. Giai đoạn 2 từ năm 2035-2036, đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến và đầu tư bổ sung khoảng 30 km đường gom thành đường song hành. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1, sơ bộ khoảng 19.521 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 7.761 tỷ đồng, vốn do nhà đầu tư huy động khoảng hơn 11.760 tỷ đồng. Nhu cầu cần giải phóng mặt bằng (với nền đường 24,75 mét) khoảng gần 620 ha và mở rộng khoảng 30 km đường gom thành đường song hành khoảng 94,57 ha.

Tập trung nỗ lực để khởi công vào tháng 9 tới

Ngày 12/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, hiện, tỉnh đã chuẩn bị khoảng 6.500 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương 2.000 tỷ đồng và ngân sách của tỉnh 4.500 tỷ đồng; phía nhà đầu tư đã thu xếp được 1.600 tỷ đồng và đang tiếp tục huy động. Vì vậy, trong tháng 9/2023, hai dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương sẽ khởi công. Hiện, dự án Tân Phú - Bảo Lộc đang hoàn thành báo cáo cuối kỳ bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi; dự án Bảo Lộc - Liên Khương đang hoàn thiện báo cáo đầu kỳ bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi. UBND tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với phía cấp tín dụng và được cam kết trong ba năm sẽ thu xếp đảm bảo nguồn kinh phí 9.000 tỷ đồng còn lại.

Đường đèo Prenn trước khi triển khai dự án nâng cấp, mở rộng

Để đồng bộ với tuyến cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn thành cung đèo có 04 làn xe, mặt đường rộng 14,5 mét thay vì hơn 7 mét như hiện nay. Tổng mức đầu tư 553 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Cung đèo là cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, là điểm đầu, điểm cuối kết nối 2 dự án cao tốc nêu trên. Ngày 10/2/2023, Dự án đã khởi công và theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trước tết Nguyên Đán 2024.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn với một số gói thầu tư vấn; phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận đối với diện tích rừng đặc dụng dưới 50 ha và rừng sản xuất từ 50ha đến dưới 1.000ha để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư.

Cung đèo Prenn 4 làn xe ô tô sẽ đưa vào sử dung vào Tết Nguyên Đán 2024

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định rõ quan điểm “Lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng” và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với vùng là “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế”.

Minh Đạo
: caotocLD