Đời sống, xã hội

GS Trần Văn Thọ: Quá nhiều nhận thức sai lầm về bằng tiến sĩ

Thứ tư, 4/5/2016 | 11:11 GMT+7
Học tiến sĩ (TS) không phải để đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo. Luận án TS không nhằm nghiên cứu vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Bài này Gs.Trần Văn Thọ viết để đóng góp vào Đề án cải cách giáo dục Việt Nam, do một số trí thức trong và ngoài nước thực hiện vào năm 2008. Nội dung của Đề án được đăng trên Thời đại mới số 13, tháng 3/2008.

GS. Trần Văn Thọ

Một số nhận thức sai lầm về bằng tiến sĩ

Bằng TS không phải nhằm đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo để cho phép Nhà nước cấp kinh phí đi học tại chức lấy bằng TS. Bằng TS là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa học có trình độ cao, để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu sinh không cần phải có ý kiến mới được nhận vào chương trình TS, nhưng nghiên cứu sinh phải có đủ trình độ để từ quá trình học, nắm được phát triển lý thuyết cơ bản và kiểm chứng lý thuyết bằng thực tiễn trong ngành trên thế giới, từ đó biết được vấn đề gì đã được nghiên cứu và cái gì chưa được giải đáp và từ đó có đóng góp mới về mặt học thuật.

Luận án TS không nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế như làm sao thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc làm sao một địa phương có thể trồng lúa 3 vụ. Luận án TS phải có tính học thuật (academic), triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả lý luận, kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình. Quan trọng nhất, luận án phải có tính độc sáng (originality), đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới.

Từ những nhận định trên, bài viết đề cập yêu cầu thẩm định lại trình độ của giáo sư hướng dẫn và các trường, viện đào tạo hiện nay, chấm dứt ngay những cơ sở không có tư cách cấp bằng.

Một trong những căn bệnh trầm trọng mà chế độ giáo dục đào tạo của Việt Nam trong mấy mươi năm qua gây ra cho xã hội ta, là làm lạm phát văn bằng TS, là đưa chuẩn mực của học vị cao nhất trong khoa học này xuống mức thấp ngoài sự tưởng tượng của người làm khoa học nghiêm túc. Nhiều người, kể cả người viết bài này, đã cảnh báo, phê phán vấn đề này từ rất sớm và đã có nhiều đề nghị cải cách rất cụ thể và khả thi. Thế nhưng, vấn đề này không được cấp lãnh đạo cao nhất quan tâm, còn các cơ quan quản lý trực tiếp, chủ yếu là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thì hầu như bất lực.

Gần đây, Nhà nước có vẻ đã thấy không thể không hành động trước tình trạng đã quá trầm trọng. Cụ thể, vào tháng 1/2008, Bộ GD&ĐT đã công bố bản Dự thảo quy chế đào tạo TS (dưới đây gọi tắt là Dự thảo). Đây là lần đầu tiên vấn đề đào tạo TS được đặt ra tương đối nghiêm túc. Tuy nhiên, nội dung Dự thảo có nhiều điểm không khả thi và nhiều điểm cho thấy người đặt chính sách chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc đào tạo bậc TS và yêu cầu của luận án TS.

Mặt khác, Dự thảo chủ yếu nói đến việc xây dựng quy chế cho những cơ sở đào tạo mới và không đề cập đến việc xử lý những văn bằng TS sản sinh trong quá trình vàng thau lẫn lộn vừa qua, cũng như không nói rõ vấn đề cải tổ, thanh lọc những cơ sở đào tạo ra đời trong bối cảnh bê bối hàng chục năm qua. Vì đã có nhiều dịp phát biểu ý kiến về vấn đề đào tạo và cấp bằngTS, dưới đây tôi chỉ nêu lại một số vấn đề xét thấy cần đặt lại, hoặc viết thêm trong giai đoạn hiện nay:

Mục tiêu đào tạo tiến sĩ là gì?

Trong kế hoạch đào tạo 20.000 TS (đến năm 2020), suy nghĩ của người làm kế hoạch khá đơn giản và không thực tế. Ngoài tính bất khả thi, ta thấy Nhà nước có suy nghĩ rất đơn giản, để phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải có một đội ngũ những nhà khoa học, cụ thể là đội ngũ của những người có học vị TS. Không biết từ bao giờ đã có một quan niệm sai lầm rằng bất cứ người làm trong ngành nào, kể cả quan chức và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, người có học vị càng cao càng “lãnh đạo” giỏi.

Do quan niệm sai lầm này, Nhà nước đã cấp kinh phí cho quan chức đi học (làm nghiên cứu sinh) tại chức để lấy bằng TS và xem văn bằng này là một trong những tiêu chuẩn để đề bạt lên chức vụ cao hơn. Do vậy, quan chức tranh nhau đi học để lấy bằng và nạn học giả lấy bằng thật trở thành phổ biến. Quan điểm và chính sách này đã làm lãng phí nguồn lực xã hội và gây ra nạn lạm phát văn bằn TS. Quan niệm sai lầm và chính sách chạy theo số lượng, trong khi các tiền đề xây dựng cơ sở đào tạo chưa được xác lập đã hạ thấp (một cách kinh khủng) chuẩn mực văn bằng TS là hệ quả đương nhiên.

Do đó, hơn bao giờ hết, cần xác định mục tiêu đào tạo TS: Đó là tạo ra một đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học có thể được thực hiện ở đại học hoặc các viện nghiên cứu của cơ quan nhà nước hoặc của doanh nghiệp (nhất là nghiên cứu ứng dụng), nhưng người thuần túy quản lý doanh nghiệp hoặc quản lý hành chính không cần văn bằng TS. Dĩ nhiên, có trường hợp một số quan chức hoặc lãnh đạo doanh nghiệp có bằng TS.

Đó là trường hợp những người nguyên đã có dự định theo con đường nghiên cứu hoặc giảng dạy ở đại học nhưng sau đó tìm thấy khả năng của mình ở lãnh vực quản lý doanh nghiệp hoặc nhà nước. Cũng có trường hợp họ không thành công trong dự định ban đầu. Ở Nhật hay ở Mỹ, người có bằng TS khó tìm việc ở cơ qụan hành chính nhà nước hoặc doanh nghiệp hơn là người chỉ có bằng đại học (dĩ nhiên trừ trường hợp xin vào các viện nghiên cứu của doanh nghiệp hoặc của nhà nước).

Thế nào là một luận án tiến sĩ?

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tuyên bố một câu được báo chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Nếu không tìm được vấn đề gì mới thì đừng đi học TS”. Tôi ghi nhận chủ ý tích cực của câu tuyên bố này. Bối cảnh của tuyên bố này là tình trạng có nhiều luận án TS chỉ là sự sao chép hoặc tổng kết các nghiên cứu của người khác và cần phải chấm dứt tình trạng này. Nhưng câu tuyên bố này khó hiểu đối với người làm khoa học, nhất là đối với người phụ trách đào tạo TS nghiêm túc.

Ta có thể đặt lại vài câu hỏi sau: Thứ nhất, một người định thi vào bậc TS (thi làm nghiên cứu sinh) có cần phải có sẵn một đề tài mới? Hay là đề tài mới chỉ được phát hiện trong quá trình học tập vất vả, phải biết vấn đề gì đã được nghiên cứu và cái gì chưa được giải đáp? Thứ hai, thế nào là “mới”? Có thể là mới trong một thực tiễn nào đó, nhưng chẳng có ý nghĩa gì đối với khoa học. Chẳng hạn, làm sao để huy động vốn trong dân ở tỉnh A hay tại một thành phố B có thể là mới vì chưa ai nghiên cứu vấn đề cụ thể này, nhưng đề tài tự nó chưa nêu ra được điểm gì mới về học thuật. Cần nói thêm, là các đề tài luận án TS kinh tế trong hơn 10 năm qua ở Việt Nam phần lớn có tính cách thực tiễn và thiếu tính học thuật như vậy. Tôi đã víết khá chi tiết về điểm này trên Tia sáng (9/2003). 

Vậy trình độ của người được cấp bằng và chuẩn mực khách quan của luận án TS là gì? TS là học vị cao nhất trong khoa học. Người được cấp bằng TS do đó phải am hiểu các lý luận cơ bản, các khung phân tích trong ngành mình và nắm vững các khái niệm, các khung phân tích, các lý luận và những tiến triển nghiên cứu mới trong ngành chuyên môn hẹp của mình. Những kiến thức cơ bản này được trang bị từ các cấp bậc đại học và thạc sĩ, nhưng ở bậc TS phải được tiếp tục ở trình độ cao hơn và nhất là phải có cơ chế kiểm tra nghiêm túc để bảo đảm cho ứng cử viên học vị này hội đủ các điều kiện đó.

Trình độ của ứng cử viên TS được thử thách và được nhân lên trong quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận án TS. Ngoài tính khoa học, logic tất nhiên phải có, một luận án TS phải có hai tính chất quan trọng. Thứ nhất là tính học thuật (academic) trong đó vấn đề phải được triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả các lý luận, các kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình. Thứ hai là tính độc sáng (originality), luận án phải đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới. Cái “mới” trong khoa học là như vậy.

Cần nói thêm rằng đòi hỏi chính của luận án TS là sự đóng góp về mặt lý luận và luận án là bằng chứng cho thấy ứng cử viên TS có trình độ nghiên cứu độc lập, chứ không đòi hỏi phải giải quyết một vấn đề thực tế (dĩ nhiên nếu kết quả nghiên cứu góp phần giải quyết một vấn đề thực tiễn thì càng tốt nhưng đó là thứ yếu). Sau khi lấy bằng TS, tùy theo nhu cầu công tác lúc đó mới cần nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Tại Việt Nam, chí ít là trong lãnh vực kinh tế, hình như đa số hiểu sai về ý nghĩa của luận án TS. Các đề tài của một luận án TS kinh tế học ở Việt Nam thường là "Những giải pháp để…” (chẳng hạn, những giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ chiến lược công nghiệp hóa). Những vấn đề này dĩ nhiên có thể được chọn là đối tượng nghiên cứu nhưng đó chỉ là trường hợp được chọn để kiểm chứng một vần đề có tính cách lý luận chứ không phải nhằm để giải quyết một vấn đề thực tế.

Ở Việt Nam, được biết nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ tốn hàng tỷ đồng và huy động hàng chục nhà nghiên cứu nhưng ít có công trình trực tiếp giải quyết vấn đề thực tiễn mà tại sao lại kỳ vọng ở công trình của một nghiên cứu sinh? Các đề tài này chẳng nêu ra được những câu hỏi có tính lý luận nên chẳng có giá trị về mặt học thuật và về mặt thực tế cũng chẳng thấy cơ quan nào của nhà nước đã tham khảo các luận án ấy. Thật ra một người tốt nghiệp đại học thuộc loại giỏi chỉ cần vài tháng là có thể hoàn thành một bản báo cáo về những đề tài như vậy. Trong thời gian qua ở nước ta các bản báo cáo như vậy vẫn được gọi là luận án TS. Chất lượngTS ở Việt Nam quá thấp là vì vậy.

Cũng do quan niệm sai lầm ở Việt Nam về việc “ép” nghiên cứu sinh phải chọn một đề tài về mới về thực tiễn (dù không có giá trị về học thuật) mà trong quá khứ một số đề tài liên quan đến an ninh, quốc phòng, được phép bảo vệ không công khai. Bản Dự thảo nói trên cũng có quy định về những trường hợp không công khai việc bảo vệ luận án TS.

Theo tôi, mọi luận án TS đều phải được công khai. Nếu vì an ninh hoặc quốc phòng thì không cho nghiên cứu sinh chọn những đề tài như vậy. Như đã nói ở trên, mục tiêu đào tạo TS là xây dựng những con người khoa học có trình độ nghiên cứu độc lập và đảm trách việc giáo dục đại học, chứ không phải là nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế. Những đề tài thực tiễn và cấp thiết như vậy nên giao cho người đã có khả năng nghiên cứu độc lập, kể cả người đã lấy bằng TS.

Ông Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam, năm 1967 sang Nhật Bản du học. Ông lấy được bằng TS kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ở lại Nhật, ông vào làm việc tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm Phó Giáo sư, rồi Giáo sư Đại học Obirin, Tokyo. Từ năm 2000 đến nay, ông làm Giáo sư kinh tế Đại học Waseda, Tokyo.

Năm 1990, báo chí Nhật đưa tin lần đầu tiên có 3 người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của thủ tướng Nhật, ông Thọ là 1 trong 3 người đó. Ông ở cương vị này trong gần 10 năm, qua nhiều đời Thủ tướng Nhật.

GS. Trần Văn Thọ