Kết nối

Giảm nghèo bền vững nhìn từ kinh tế xanh

Thứ sáu, 17/11/2023 | 14:20 GMT+7
Mới đây, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam là một hình mẫu về giảm nghèo, nhất là một thời gian đặc biệt ngắn. Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia sẽ nhìn vào Việt Nam để học hỏi những bài học đó”. Một trong những địa phương ở Việt Nam thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, đặc biệt Chương trình gắn với chiến lược kinh tế xanh là tỉnh Lâm Đồng.

Bài 1: Lâm Đồng từ kết quả đến đột phá

Bức tranh toàn cảnh khởi sắc

Tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên trên 9.773 km2, dân số gần 1.300 người với 39% dân số thành thị và 61% dân số nông thôn. Địa bàn tỉnh có 47 dân tộc anh em, trong đó dân tộc ít người chiếm 25,7% (riêng dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm gần 17%). Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính với 10 huyện và 02 thành phố, 142 đơn vị hành chính cấp xã.

Nhiệm vụ giảm nghèo luôn là thách thức đối với cả hệ thống chính trị của tỉnh. Nhưng với sức mạnh tổng lực, bằng nổ lực toàn diện, nhiệm vụ này ngày càng đạt những thành tựu thực sự là niềm vui chung. Nó đã góp phần công cuộc xây dựng nông thôn mới của Lâm Đồng đã và đang trở thành điểm sáng của cả nước. Năm 2016, toàn tỉnh có 32 xã và 66 thôn đặc biệt khó khăn, tổng số hộ nghèo hơn 20.000 hộ, chiếm 6,56%; đến cuối năm 2019 chỉ còn 06 xã và 51 thôn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo còn 6.325 hộ, tỷ lệ 1,85%. Năm 2021, thành phố Đà Lạt không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; 01 thành phố và 02 huyện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% và 06 huyện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; chỉ còn 02 huyện có tỷ lệ 5,83% và 6,92%.

Ông Phạm Đức Toàn - Phó Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Trưởng Đoàn giám sát việc thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025: Tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự phối kết hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia .

Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của tỉnh Lâm Đồng còn 5,34%; số hộ nghèo 6.636 hộ, chiếm tỷ lệ 1,94% (giảm 0,93% so với cuối năm 2021); hộ cận nghèo 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%. Với đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo còn 4.549 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65% (giảm 2,9% so với cuối năm 2021); hộ cận nghèo 6.905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%. Toàn tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,6%, với đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,74%.

Đầu năm 2023, tin vui đến với Lâm Đồng là huyện Đam Rông không còn diện huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định số 353 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến Lâm Đồng đạt kế hoạch đề ra của năm 2023 với tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 1-1,5%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,5-3%.

Xã Phước Lộc, huyện Đạ Hoai có trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên nhưng đã thoát khỏi “xã đặc biệt khó khăn” ngoạn mục. (Trong ảnh, hệ thống giáo dục khang trang của xã)

Các thành tựu nêu trên là những bài học đúc kết quý về lý luận và thực tiễn để tỉnh Lâm Đồng đã và đang cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ mới ở cấp độ cao hơn, đó là giảm nghèo bền vững.

Kinh tế xanh là bước đột phá

Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Tiến sĩ Phạm S cho chúng tôi biết: “Chiến lược xanh về giảm nghèo bền vững là một phương pháp tích hợp giữa các biện pháp bảo vệ môi trường và giảm nghèo nhằm đảm bảo rằng việc giảm nghèo không gây hại đến môi trường và ngược lại. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng phải tạo ra những chiến lược, chính sách và các dự án cụ thể để đảm bảo rằng các hoạt động kinh tế và xã hội không gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường, và đồng thời cải thiện điều kiện sống của người dân nghèo”.

Nhiều mô hình nông nghiệp sạch của đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp họ giảm nghèo một cách bền vững. (Trong ảnh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tham quan mô hình cà phê sạch ở huyện Lạc Dương)

Trên cơ sở đó, ông Phạm S cho rằng, cần thực hiện một số nguyên tắc và chiến lược cơ bản của chiến lược xanh về giảm nghèo bền vững như sau. Thứ nhất, phát triển năng lượng sạch. Nghĩa là, sử dụng và phát triển nguồn năng lượng sạch và tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tác động đối với người dân nghèo. Triển khai nhiệm vụ này có thể bao gồm việc đầu tư vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như: mặt trời, gió, thủy điện và sinh học.

Thứ hai, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đó là việc bảo vệ và quản lý cẩn thận các nguồn tài nguyên tự nhiên như rừng, đất đai, và nguồn nước để đảm bảo rằng hệ sinh thái và các dịch vụ sinh thái vẫn hoạt động tốt, giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh thực phẩm cho người nghèo. Thứ ba, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, bao gồm hệ thống giao thông công cộng, xây dựng bền vững và quản lý chất thải hiệu quả, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo ra cơ hội việc làm cho người nghèo.

Thứ tư là lĩnh vực đào tạo và giáo dục bằng việc cung cấp về môi trường và phát triển bền vững để tạo ra nhân lực có kiến thức và kỹ năng cần thiết tham gia vào các ngành công nghiệp xanh. Thứ năm là khuyến khích doanh nghiệp xanh được cụ thể việc ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện thực tiễn xanh và công bằng xã hội, giúp tạo ra cơ hội việc làm và thúc đẩy phát triển bền vững. Thứ sáu, lĩnh vực tài chính xanh mà theo ông Phạm S là “Cần xác định các dự án cụ thể với bằng nhiều giải pháp hỗ trợ nguồn lực tài chính (cộng đồng, tổ chức phi chính phủ, phát triển sản xuất, ngân hàng chính sách) với định suất đầu tư đảm bảo tạo ra giá trị cao và bền vững”. 

Thứ bảy, tăng cường tương tác xã hội là cần hiện thực hóa việc đảm bảo rằng người dân nghèo được tham gia vào quá trình ra quyết định và triển khai các chính sách và dự án liên quan đến giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Và cuối cùng, thứ tám là khâu kiểm tra, đánh giá cập nhật sát tình hình thực tế với sự hài lòng cao nhất của người dân nghèo. Theo đó, thiết lập hệ thống đo đạc và theo dõi để đảm bảo rằng các chiến lược và chính sách đạt được các mục tiêu về giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Mô hình Rừng tự quản của đồng bào dân tộc K’Ho, thôn K'Long, xã Phú Bình, huyện Đức Trọng vừa bảo vệ tốt tài nguyên rừng vừa nâng cao sinh kế cho cộng đồng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen

“Chiến lược xanh về giảm nghèo bền vững ở tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh sự tương tác chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, và nó đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên để đảm bảo tăng phát triển là bền vững và không gây hại cho môi trường và người nghèo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S khẳng định.

Bài 2: Chìa khóa của sinh kế là đa dạng hóa về mô hình

 

 

Minh Đạo