Văn hóa, du lịch

Bài thơ "Núi đôi" và khối tình sương khói ảo

Chủ nhật, 20/6/2021 | 09:00 GMT+7
Nhà thơ Vũ Cao sinh năm 1922 tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thời chống Pháp, ông đi bộ đội (Sư đoàn 312), làm phóng viên báo Quân Đội. Ông từng giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, và sau này là Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội. Vẫn trong bóng dáng của chàng thanh niên xưa, cao lớn, khỏe mạnh, giọng nói vui và hài hước, ngày ngày ông đạp xe quanh phố phường Hà Nội, khi đến Hội Nhà Văn chấm giải thơ, khi thong dong ngẫm nghĩ cuộc đời. Nhưng mỗi lần trở về căn phòng ấm áp, tĩnh lặng của mình ở làng Ngọc Hà, nay chỉ còn những hồ nhỏ nhắc nhớ làng hoa Thăng Long xưa, Vũ Cao lại nhớ. Ông nhớ về mối tình sương khói ảo đã thắp sáng hồn ông suốt cuộc đời.

Nàng là ai? Chính ông cũng không biết. Khi ông đến thì nàng đã chết. Nàng để lại một linh hồn sương khói ảo. Linh hồn ấy đã kết đọng trong trái tim ông, để suốt một đời ông nao nao thương nhớ khôn nguôi một người tình đã mất. Ông thốt lên: "Núi vẫn đôi mà anh mất em!".

Ông kể với chúng tôi rằng ông nhớ thương, ông buồn. Bây giờ thỉnh thoảng ông vẫn về Núi Đôi. Ông đi tìm nàng. Ông gọi tên nàng: "Ở đâu cô gái làng Xuân Dục?". Ông nhớ hồi đó, năm 1956, ông mới hơn ba mươi tuổi. Cái tuổi trái tim căng tràn nhựa sống, dào dạt yêu thương. Anh chàng nhà báo từ Hà Nội cuốc bộ về làng Xuân Dục (nay thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), nơi có hai ngọn núi lặng lẽ ngàn đời, viết kí sự về bộ đội. Anh sống chung với dân làng, cùng ngủ dưới nền đất, vách tranh. Khi mát lòng với bát nước vối, khi ấm bụng với củ sắn, củ khoai, bắp ngô nướng nồng đượm tình xóm làng. Và anh nghe dân làng kể về nàng. Mỗi người kể một cách, nhưng ai cũng đều xót thương và cảm phục nàng,...

Nàng là cô du kích trẻ đẹp nhất làng, lại nết na, hiền thảo,... Nàng có người yêu đi bộ đội. Nhưng họ không gặp được nhau. Bất ngờ, giặc Pháp giết nàng giữa tuổi mười bảy trắng trong,... Dân làng cứ kể. Anh cứ nghe. Những lời thương, lời yêu, lời tiếc nhớ xao động hồn anh. Hai ngọn núi còn đây, ngọn thấp, ngọn cao. Ngôi mộ nàng còn đó thơm hương lúa. Dấu chân nàng in trên con đường nghẽn lối "ngổn ngang, bờ bụi, cánh dơi bay",... đi trong sương trắng, nắng chiều. Đêm đêm nằm ngủ giữa hai ngọn núi, cảm xúc đau thương, âu yếm về nàng trào nghẹn trong lòng anh,...

Bỗng một đêm, cồn cào trong dạ, trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn dầu lạc nơi mái tranh nghèo, cảm xúc dồn lên cảm xúc, anh lặng lẽ viết. Anh viết liền một mạch ba tiếng đồng hồ, thành bài thơ "Núi Đôi", kể về mối tình sương khói ảo, khắc khoải trong ảnh. Phút giây ấy, anh hóa thân thành người tình của nàng. Anh khóc nàng. Tiếng khóc bật thành thơ, nhịp điệu của nó là nhịp điệu kể chuyện trong văn tế, nhớ tiếc người đã khuất khôn nguôi. Cao hơn, nó là tiếng khóc của một người tình, khóc một người tình: "Mới ngỏ lời thôi đành lỡ hẹn. Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau".

Bài thơ ra đời. Dân làng xúc động lớn. Họ rước hài cốt Cô từ ruộng lên núi Đôi. Họ thắp nhang khấn Cô: "Hỡi hương hồn cô gái đẹp nhất làng Xuân Dục! Người yêu Cô đã trở về. Chàng đã khóc Cô. Nước mắt của chàng đã kết hình hài Cô thành hoa trên đỉnh núi. Hạnh phúc đã đến bên Cô dưới Suối Vàng!".

Từ đó đến nay, và mãi mãi về sau, biết bao thế hệ người Hà Nội, người Việt Nam lên núi Đôi tìm hình tượng người thiếu nữ là "Hoa trên đỉnh núi", và cảm nhận tình yêu cao cả của nhà thơ. Thơ ca, nghệ thuật đã thổi linh hồn lên núi cao, biển rộng, sông dài, cánh đồng, làng mạc,... Làm cho con người bất tử giữa thiên nhiên hoang dã, biến trái đất hồng hoang thành địa linh nhân kiệt, thành văn hóa, lịch sử,...

Nhà thơ Vũ Cao xao xuyến tâm sự: Cô tên thật là Trần Thị Bắc (hy sinh đêm 21/03/1954). Chỉ tiếc là hồi đó, tôi chưa dám đề tên Cô vào bài thơ. Tôi sợ nhỡ có chuyện gì liên lụy đến gia đình và họ hàng của Cô. Hồi đó, văn học đang gặp nhiều khó khăn. Bài thơ của tôi chan chứa những âu yếm, yêu đương, thương nhớ, xót xa, tiếc buồn,... Tôi hiểu, lúc đó mà viết về tình yêu như thế thì thật mạo hiểm. Tôi giấu kín bài thơ, chỉ để "riêng mình mình biết, một mình mình hay". Nhưng giấu sao nổi bạn văn chương khao khát yêu thương. Họ đăng bài thơ "Núi Đôi" trên báo. Tôi giật mình: "Thôi chết rồi. Thế này thì gay go to!". Nhưng rồi cái lo cũng qua, dân làng Xuân Dục Núi Đôi đã đón nhận bài thơ đó. Cũng có người hỏi tôi: "Tại sao lúc này mà anh lại viết yêu đương buồn đau thế để làm gì?". "Câu đầu tiên của bài thơ là câu gì?". Tôi bảo: "Núi vẫn đôi mà anh mất em!". Có lẽ hồn thiêng của Cô Bắc đã giúp tôi vượt qua thời điểm khó khăn đó!

Tôi không sao quên được, hồi đó dân còn khổ lắm. Nhà tranh vách đất, bữa sắn bữa rau. Những đêm sáng trăng suông, nhìn ra hai ngọn núi như bóng chồng, bóng vợ giữa cánh đồng chống chếnh. Buồn ơi là buồn! Cảnh "Sân biến thành ao, nhà đổ chái" là có thật!

Không gian buồn, câu chuyện buồn. Tiếng người dân thương xót, mến yêu Cô Bắc,... Tất cả trầm tích trong hồn tôi rồi bật thành thơ. Văn học vẫn là từ trong cuộc sống thực. Tất cả những gì tôi trông thấy. Tôi nghe thấy. Tôi suy nghĩ. Tôi buồn thương,... Đều là thực hết. Văn học là cuộc đời thực. Không bịa được đâu! Bây giờ tôi lên Xuân Dục, đời sống dân làng đã khá hơn, nhưng nhìn ra hai ngọn núi, tôi vẫn buồn,...

Chia tay Ông. Tôi nắm bàn tay Ông thật ấm, thật hiền, như muốn cảm tạ nhà thơ, một người tình cao cả của khối tình sương khói ảo trong thơ ca Việt Nam. Ông thương mến dặn tôi : "Còn trẻ thì viết đi. Tranh thủ mà viết. Nó có ích. Tội gì!".

NÚI ĐÔI

Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang

Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh: Sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi!

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau
Mới ngỏ lời thôi, đành lỗi hẹn
Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau.

Anh vào bộ đội, lên Đông Bắc
Chiến đấu quên mình năm lại năm
Mấy bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục, núi Đôi chăng?

Anh nghĩ, quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vành đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.

Đồng đội có nhau thường nhắc nhở
Trung du làng nước vẫn chờ trông
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông?

Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn. Anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh ghé thăm nhà, thăm núi Đôi.

Mới tới đầu ao, tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thửa
Em sống trung thành, chết thủy chung!

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông bờ cỏ con đường quen
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!

Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo:
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng?

Từ núi qua thôn, đường nghẽn lối
Xuân Dục, Đoài Đông cỏ ngút đầy
Sân biến thành ao, nhà đổ chái
Ngổn ngang bờ bụi, cánh dơi bay.

Cha mẹ đưa nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nứa gianh nửa mái lều che tạm
Sương nắng khuây dần chuyện xót đau.

Anh nghe có tiếng người qua chợ 
Ta gắng: mùa sau lúa sẽ nhiều
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!

Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ.
Oán thù còn đó, anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này!

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em: Đồng chí!
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.

                                                                                                                                                                                                                       - 1956 -

(Nguồn: Thi viện - NÚI ĐÔI - Nhà xuất bản Hà Nội - Năm 1970)
 

Nhà văn - Nhà báo Mai Thục