Đời sống, xã hội

Hà Nội: “Siêu dự án” làm đường 3km ngốn gần 4.000 tỷ đồng

Thứ tư, 12/6/2019 | 19:55 GMT+7
Người dân ở khu tập thể Học viện Tài chính, Khu dự án nhà ở Cầu Diễn phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì, gọi tắt là dự án Hồ Tây - Ba Vì. Theo đó, hàng loạt vấn đề xung quanh dự án này đang gây bức xúc cho người dân.

Dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì (đoạn từ vành đai 3 đường Hoàng Quốc Việt đến Quốc lộ 32) theo hình thức hợp đồng BT đang khiến dư luận “sốc” bởi kinh phí thực hiện dự án.

Hàng trăm người dân đang sinh sống tại tổ (1, 3, 5, 6, 7, 9, 13) và các hộ dân cư thuộc khu tập thể Z 157, khu tập thể Học viện Tài chính, Khu dự án nhà ở Cầu Diễn phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì, gọi tắt là dự án Hồ Tây - Ba Vì.

Trong đơn kiến nghị, các hộ dân bày tỏ sự bất ngờ sau khi dự Hội nghị lấy ý kiến nhân dân đánh giá về tác động môi trường và sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng trục Hồ Tây - Ba Vì do UBND phường Phú Diễn và Công ty CP Sông Hồng tổ chức.

Tham gia hội nghị, đại diện các hộ dân bày tỏ: Chúng tôi vô cùng hoảng hốt, choáng váng khi biết gia đình mình một lần nữa sắp bị di dời. Chúng tôi vì sự phát triển của Thủ đô đã một lần dời khỏi chỗ ở của gia đình mình phục vụ cho hàng loạt dự án (dự án mở rộng đường 32, dự án làm đường vào Đại học Mỏ địa chất, dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài và hàng loạt dự án khác…) nhưng ngay cả khi chưa trả hết nợ tiền vay để làm nhà thì lại bị thông báo tiếp tục rời đi lần nữa khi cuộc sống mới chưa kịp bắt đầu.

Người dân đi gửi kiến nghị về dự án Hồ Tây - Ba Vì tại phường Phúc Diễn

Người dân cũng cho biết, dự án Hồ Tây - Ba Vì xuyên qua nhiều khu dự án tái định cư. Đặc biệt là khu dự án nhà ở do Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt, khu tập thể Học viện Tài chính (đã sinh sống ổn định hơn 20 năm…). Dự án cũng xóa sổ Học viện Tư pháp vừa xây dựng, trường THPT Phú Diễn, trường Trung cấp in Hà Nội và nhiều công trình trọng điểm khác khiến lãng phí tiền của nhà nước, bức xúc trong dư luận.

Đáng chú ý, đơn kiến nghị của người dân cũng đặt vấn đề về việc quy hoạch chồng quy hoạch, dự án chồng dự án và liệu có lợi ích nhóm trong việc thực hiện dự án hay không khi mà nhà đầu tư góp vốn vào dự án là một doanh nghiệp yếu thế, không có năng lực. Bên cạnh đó, chi phí cho việc giải phóng mặt bằng đã chiếm 2/3 tổng kinh phí thực hiện dự án cũng khiến người dân băn khoăn, cho rằng lãng phí tiền của nhà nước.

Với những căn cứ trên, người dân kiến nghị hủy bỏ dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì hoặc điều chỉnh quy hoạch để tránh khu dân cư, đi vào khu đất nông nghiệp, đất trống của các cơ quan tránh gây lãng phí tiền của nhà nước đồng thời tránh gây hoang mang, xáo trộn trong nhân dân.

Theo tìm hiểu của PV Năng lượng Sạch Việt Nam điện tử, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì là UBND TP Hà Nội và Tổng công ty CP Sông Hồng (đại diện liên danh nhà đầu tư gồm: Tổng dông ty CP Sông Hồng, Công ty CP tư vấn và đầu tư Bông Sen Vàng, Công ty CP Công nghệ và xây dựng Sông Hồng, công ty CP Công nghệ Quốc gia, Công ty CP đầu tư thiết bị Công nghệ Sông Hồng).

Điểm đầu của dự án là Km0+000 - lý trình dự án (ngã ba đường Hoàng Quốc Việt với đường Phạm Văn Đồng). Điểm cuối là Km3+260 - lý trình dự án (gần ngã ba Quốc lộ 32 với đường Văn Tiến Dũng). Phạm vi thực hiện dự án nằm trong ranh giới địa lý hành chính của 3 phường (Mai Dịch - quận Cầu Giấy, phường Phú Diễn và Phúc Diễn - quận Bắc Từ Liêm).

Theo tính toán của nhà đầu tư, tổng kinh phí thực hiện dự án là 3.735.421.665.000 đồng trong đó chi phí xây dựng tuyến đường là 785.700.000.000 đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 2.462.500.045.000 đồng, chi phí dự phòng là 234.942.041.538 đồng, chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng là 162.299.000.000 đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác là 152.025.000.000 đồng. Tiến độ thực hiện dự án là 18 tháng.

Sơ đồ dự án

Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng, Hà Nội cho rằng, khi đã khẳng định không xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì, việc xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế - chính trị - xã hội.

Tiếp đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong văn bản góp ý với đồ án cũng cho rằng, việc chọn địa điểm Ba Vì để dự trữ cho khu xây dựng các công trình của các bộ, ngành là không có cơ sở cả về khí hậu, đất đai, tính chất, cảnh quan và tính xã hội nhân văn. Chính vì vậy trục Hồ Tây - Ba Vì không còn cơ sở để tồn tại trong đồ án.

Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng nhấn mạnh, đề xuất làm đường Hồ Tây - Ba Vì còn thiếu căn cứ khoa học nhất là khi chúng ta đang tập trung đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long, đường mới Tây Thăng Long, đường sắt Láng - Hòa Lạc, nâng cấp đường 32. Trong khi dự báo tăng dân số của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây lên đến gần một triệu người là không có cơ sở.

Theo ý kiến của các chuyên gia, với chi phí “khủng” khi làm 3km đường ngốn gần 4.000 tỷ của nhà nước là lãng phí trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, đồng thời không tạo được sự đồng thuận của người dân khu vực này liệu có hợp lý, đề nghị UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Năng lượng Sạch Việt Nam điện tử sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin.                                                                                       

Vũ Mạnh