Quy hoạch, xây dựng

Hà Nội bàn quy hoạch hai bên sông Hồng theo hướng đô thị sinh thái

Thứ năm, 9/7/2020 | 15:06 GMT+7
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thành phố dự kiến quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng, tạo 2 bờ đê tích hợp thành 2 con đường.

Chiều 8/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc giữa TP Hà Nội với Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) để bàn về vấn đề phát triển nông nghiệp trên địa bàn TP.

Bí thư TP Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay trong giai đoạn năm năm tới, TP phải thực hiện các quy hoạch phân khu để phủ kín quy hoạch chung thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong các quy hoạch này có quy hoạch sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết TP đã từng thống nhất với Bộ NN&PTNT quy hoạch đê sông Hồng theo hướng kết hợp với đường giao thông. Trên cơ sở đó, đoạn sông Hồng qua nội thành Hà Nội, nhất là đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy sẽ được quy hoạch, chỉnh trang giống như sông Hàn (Hàn Quốc).

Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng là nhiệm vụ quan trọng Hà Nội cần thực hiện

Theo đó, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị hạ cao trình đê sông Hồng 20 cm (cao trình hiện tại là 13,4 m) nhằm tận dụng tài nguyên đất dọc hai bên sông và bãi giữa nhằm phát triển đô thị.

“Còn về cao trình đê, nếu thống nhất ở mức 13,2 m thì vẫn đảm bảo phân lũ với tần suất tới 500 năm mới có một lần lũ lớn. Theo thẩm quyền quy hoạch thoát lũ hiện nay thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT, do vậy đề nghị bộ hoàn thiện luôn hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt” - ông Chung nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh Quyết định 257 được ban hành để bảo vệ vùng hạ du và đặc biệt là thủ đô Hà Nội với 2 chỉ tiêu chính. Một là cố gắng đảm bảo cốt đê ở mức 13,4 m để bảo đảm an toàn cho toàn bộ diện tích nội đô. Hai là đảm bảo mức thoát lũ ở tiết diện trung bình khoảng 20.000 m3/s.

Từ 2 nguyên tắc này, ông cho rằng thành phố phải rà soát lại hết, từ lòng sông, khu vực xung quanh. Không để người dân xây dựng tự phát cản trở dòng chảy. Hai là tận dụng tài nguyên để phát triển bằng các thiết chế, có thể có những chỗ thiết chế được nhà tầng, có chỗ thiết chế được hạ tầng dịch vụ - thương mại.

Bộ sẽ cử lực lượng khoa học, kể cả Viện khoa học thủy lợi, các viện nghiên cứu tập trung với thành phố tổng rà soát lại, nhưng vẫn phải đảm bảo hai nguyên tắc là cốt đê cao 13,4m và mức thoát lũ ở tiết diện trung bình của sông Hồng đoạn Hà Nội là 20.000 m3/s.

Tuấn Kiệt