Nông nghiệp sạch

Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh

Thứ ba, 1/11/2022 | 10:57 GMT+7
Ngày 31/10, tại Tuần lễ Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc 2022, các đối tác doanh nghiệp hai nước đã cùng thảo luận về công nghệ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại thông minh phục vụ phát triển bền vững.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, mô hình trang trại thông minh tại Việt Nam đã có từ khoảng 20 năm trước và là một phần trong chiến lược phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nông nghiệp công nghệ cao và các mô hình canh tác thông minh đã được Nhà nước quan tâm phát triển bằng nhiều chính sách hỗ trợ. Hiện nay, cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các địa phương công nhận; 51 vùng nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang đóng góp 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% giá trị sản xuất cây trồng vật nuôi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam vẫn chưa phổ biến, khó nhân rộng do chi phí đầu tư và vận hành cao, trong khi nhu cầu sản xuất rau, hoa, quả trong điều kiện kiểm soát đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu ngày càng cao. Do đó, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, nền nông nghiệp Việt Nam cần nỗ lực cải tiến công nghệ hiện có, đồng thời tiếp nhận công nghệ mới có chi phí đầu tư, vận hành thấp hơn để ứng dụng trên diện rộng.

Đối tác Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi về lĩnh vực nông nghiệp thông minh tại Tuần lễ Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc 2022

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp chia sẻ, trước thực trạng tốc độ đô thị hóa nhanh, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thành phố Hồ Chí Minh đã xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng phù hợp. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được chú trọng và đã hình thành nhiều loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh chưa có các trang trại thông minh bởi việc tiếp cận và triển khai hiệu quả vấn đề phát triển trang trại thông minh vẫn gặp rất nhiều thách thức.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, để phát triển trang trại thông minh, thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra giá trị sản xuất lớn trên một đơn vị diện tích; phát triển mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ giúp cho ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mặc dù diện tích đất sản xuất bị thu hẹp dần.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trong và ngoài nước để vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và trong sản xuất, bảo quản nông sản; tiếp tục phát triển và mở rộng các khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố.

Chia sẻ về tiềm năng hợp tác, bà Han Young Eun, Viện Phát triển kỹ thuật nông nghiệp Hàn Quốc cho biết, nông nghiệp Hàn Quốc cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt nguồn nhân lực và biến đổi khí hậu. Do đó, Hàn Quốc đã tập trung ứng dụng công nghệ cao, trang trại thông minh và tìm kiếm các điểm đến đầu tư phát triển nông nghiệp, trong đó có Việt Nam.

Theo bà Han Young Eun, doanh nghiệp Hàn Quốc có lợi thế công nghệ và kinh nghiệm triển khai các mô hình dự án nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, phía Hàn Quốc có thể hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong thi công các trang trại, phân phối vật tư, thiết bị và hỗ trợ phát triển thêm mô hình trang trại thông minh phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sẽ chuyển giao và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam làm chủ các công nghệ mới trong nông nghiệp thông minh như: cảm biến, robot tự động hóa, máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo, số hóa quản lý... để cùng nhau hướng tới nền nông nghiệp thông minh, hiệu quả, bền vững.

Khánh An