Trong nước

Hiệp định thương mại mở ra cơ hội cho dệt may, da giày

Thứ sáu, 6/12/2019 | 16:18 GMT+7
Nhờ ký kết thành công các hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan ước tính đều tăng trên 7% so với 11 tháng năm 2018.

Theo Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 11 và 11 tháng trong năm 2019, nhóm ngành chế biến chế tạo vẫn tiếp tục là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) trong 11 tháng năm nay vẫn duy trì tốc độ tăng cao - tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Nhóm hàng dệt may, da giày chiếm tỉ trọng tăng trưởng cao

Ngành dệt may Việt Nam hiện đạt kim ngạch xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên CPTPP là 5,3 tỷ USD, chiếm 6,3% thị phần thị trường các nước thành viên CPTPP.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2019, vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo tăng 7,6%; quần áo mặc thường tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, chỉ tính riêng 11/2019, vải dệt từ sợi tự nhiên ước tính đạt 56,2 triệu m2 (tăng 24%); sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo đạt khoảng 98,8 triệu m2 (tăng 13,2%); quần áo mặc thường dự tính đạt 457,2 triệu cái (tăng 9,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, tham gia vào một số hiệp định thương mại cũng giúp mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho ngành da giày, đặc biệt giúp thúc đẩy xuất khẩu ra các thị trường châu Âu và các nước đối tác. Có hiệu lực từ đầu năm 2019, hiệp định CPTPP đã và đang giúp ngành da giày tiếp tục mở rộng xuất khẩu ra châu Mỹ với những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada. 

Ước tính, trong 11 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại đạt 16,5 tỷ USD, tăng 12,5%. Trong đó, sản lượng giày dép da đạt 270,6 triệu đôi, tăng 7% so với 11 tháng 2018.

Tuy nhiên, tính đến quý IV 2019, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn, thay vào đó là các đơn ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý. Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước cũng phải đối mặt với khó khăn về cạnh tranh thị trường với các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... 

Nhiều nước đang tập trung hỗ trợ ngành dệt may khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký hội Da giày TPHCM cho biết, khó khăn của ngành da giày Việt Nam lâu nay là thiếu nguồn cung ứng da nguyên liệu, chủ yếu phải nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh, dù xuất khẩu tăng đều nhưng nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn phải đóng cửa do thị trường nội địa không ổn định.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may, da giày cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình hiện nay.

Trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm cho quá trình sản xuất. Cùng với đó là phải chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi cung ứng, đáp ứng quy chuẩn về xuất xứ theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do. Doanh nghiệp cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.
 

Huyền Dung