Nông nghiệp sạch

Hòa Bình: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ

Thứ sáu, 10/6/2022 | 17:51 GMT+7
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tiêu thụ nông sản đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực tại tỉnh Hòa Bình.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và những tiến bộ của khoa học công nghệ nhằm phát triển nền nông nghiệp theo yêu cầu xanh, sạch, bền vững đang là mục tiêu hướng đến trong lộ trình thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hòa Bình đã quan tâm phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng CNTT được cụ thể hóa trong quản lý, điều hành, tra cứu thông tin thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… cụ thể tại 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản.

Điển hình với các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP; công nghệ tưới nhỏ giọt, điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; quan tâm hỗ trợ xây dựng, cấp, quản lý mã số vùng trồng đối với các cây trồng; ứng dụng CNTT trong truy xuất nguồn gốc nông sản…

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Hòa Bình

Đến nay, toàn tỉnh đã chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ cho 3.525ha sản phẩm quả các loại, 561ha sản phẩm rau, 1.945 lồng cá, 22 cơ sở chăn nuôi. Bên cạnh đó, có 3 công ty chuyên liên kết với các hộ chăn nuôi để nuôi lợn khép kín, cung cấp cho thị trường khoảng 19.500 tấn thịt/năm.

Tính riêng huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp an toàn. Từ đó, hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn, hiện tổng diện tích trồng rau hữu cơ của toàn huyện là 22,31ha, trong đó có hơn 12ha rau được cấp chứng nhận hữu cơ với sản lượng đạt khoảng 80 - 100 tấn/năm; giá bán theo hợp đồng ký kết với các đơn vị tiêu thụ khoảng 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 13,4ha cây ăn quả của hợp tác xã. 

Cùng với sản xuất hữu cơ, các hợp tác xã, tổ hợp tác tích cực sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, với 119,4ha cây ăn quả có múi, chuối, nhãn, ổi được chứng nhận VietGAP và một số sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, ong mật... Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, VietGAP của huyện chủ yếu tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị lớn tại thành phố Hà Nội.

Dự kiến đến năm 2023, huyện triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô khoảng 22ha tại các xã: Cao Sơn, Nhuận Trạch, Cư Yên và Liên Sơn; đồng thời sản xuất rau an toàn, VietGAP quy mô 15,5ha.

Đại diện ngành nông nghiệp của huyện chia sẻ, hiện huyện đang khuyến khích người dân trong sản xuất nông nghiệp hữa cơ, nông nghiệp sạch, an toàn; thông tin về quy trình sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩn nông nghiệp trên địa bàn. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, nông dân tham gia thực hiện chỉ đạo, quản lý và trực tiếp sản xuất mô hình về quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ… Tổ chức hội nghị, hội thảo, thăm quan học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Thanh Bảo (T/H)