Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Thứ hai, 6/11/2023 | 17:14 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Hướng dẫn được ban hành tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, nhằm thực hiện khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác theo hướng dẫn của Bộ; bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ; lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Hướng dẫn cũng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường…

Đáng lưu ý, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Trong đó, nhóm I là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chia thành 8 nhóm nhỏ gồm: giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm II là chất thải thực phẩm. Nhóm III là chất thải rắn sinh hoạt khác, được chia thành 3 nhóm nhỏ gồm: chất thải nguy hại (bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit thải, dung môi thải, kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình gas mini, găng tay, giẻ lau dính dầu, hóa chất, vật dụng y tế bị nhiễm khuẩn từ người bệnh, bóng đèn huỳnh quang thải, thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thủy ngân thải...); chất thải cồng kềnh (ghế, giường, tủ, khung cửa, gốc cây...); chất thải khác còn lại.

Việc ban hành hướng dẫn được kỳ vọng là cơ sở để các địa phương thực hiện. Theo Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2022, người dân, hộ dân không phân loại rác tại nguồn sẽ bị phạt hành chính 1.000.000 đồng.

Kim Bảo