Kinh tế xanh

Kết nối doanh nghiệp Đức và Việt Nam thúc đẩy phát triển xanh tại thành phố Hồ Chí Minh

Thứ sáu, 29/3/2024 | 16:51 GMT+7
Tại diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam - Đức với chủ đề “Hợp tác vì phát triển xanh thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra mới đây, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng thảo luận, đóng góp ý kiến để phát triển kinh tế xanh, bền vững cho thành phố Hồ Chí Minh.

Diễn đàn do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) tổ chức.

Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng ổn định, đóng góp hơn 16% GDP và 25% ngân sách cả nước nên được đánh giá là nơi tốt nhất để thử nghiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số và tính năng động của nền kinh tế. Vì vậy, thành phố luôn xác định vai trò và sứ mệnh tiên phong trong triển khai các chiến lược, giải pháp cụ thể, trong đó tập trung phát triển công nghệ cao, chip bán dẫn, kinh tế số, kinh tế xanh... Thành phố cũng đã hoàn thiện khung chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030 (tầm nhìn 2050) xác định lấy người dân - doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi.

Thành phố Hồ Chí Minh huy động nguồn lực để phát triển kinh tế xanh

Chia sẻ tại hội nghị, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh, diễn đàn là cơ hội giúp cập nhật môi trường đầu tư cũng như cơ chế phát triển mới của thành phố Hồ Chí Minh đối với các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt là nhà đầu tư Đức; khai thác tiềm năng hợp tác đầu tư giữa thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành lân cận và các nước châu Âu trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo. Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, kết nối và thúc đẩy hợp tác giao thương trong thời gian tới với doanh nghiệp châu Âu.

Diễn đàn còn là cơ hội để lãnh đạo thành phố, các Sở, ngành lắng nghe những chia sẻ, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xanh của Đức. Đây sẽ là nguồn chất liệu quý báu để thành phố hoàn thiện “Khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn 2050” và các chính sách liên quan trong lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh, triển khai các chương trình hành động sắp tới.

Theo ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, tăng trưởng xanh mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế và doanh nghiệp để nâng cao sự cạnh tranh. Hiện nay, mô hình kinh doanh mới đang được triển khai, công nghệ mới đang nổi lên, toàn bộ chuỗi cung ứng cũng đang biến đổi, điều này tạo ra sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam bằng cách thúc đẩy hàng hóa và dịch vụ carbon thấp, khám phá thị trường mới và ủng hộ đối tác trong việc xanh hóa. Để hỗ trợ công nghệ mới và nâng cao tiêu chuẩn, thành phố cần hoàn thiện các chính sách, cải tiến về tài chính, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, số hóa và lao động nước ngoài.

Ông Erick Contreras, Chủ tịch Tiểu ban tăng trưởng xanh Eurocham góp ý, Việt Nam đang phát triển đa dạng hóa và thích ứng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050; trong đó nổi bật là xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Do đó, nếu muốn đẩy nhanh quá trình chuyển dịch tăng trưởng xanh, Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh cần ưu tiên các cơ chế minh bạch để kích thích đầu tư vào hiệu quả năng lượng, bao gồm giảm trợ cấp cho giá điện; tiếp cận kịp thời, đồng bộ để tối đa hóa sự đóng góp của năng lượng tái tạo vào nguồn cung năng lượng quốc gia; triển khai áp dụng giải pháp vật liệu xây dựng thân thiện với môi thường, tái sử dụng; xây dựng lộ trình quy hoạch đô thị rõ ràng, không chỉ các công trình xanh mà bao gồm cả quản lý nước, chất thải và giao thông…

Bảo Ngọc (T/H)