Năng lượng mặt trời

Khai thác tiềm năng điện mặt trời trên hồ chứa thủy lợi

Thứ tư, 23/10/2019 | 16:11 GMT+7
Tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội thảo "Điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi”.

Với gần 7.000 hồ chứa thủy lợi cùng lượng bức xạ lớn, Việt Nam được cho là có tiềm năng lớn về điện mặt trời trên các nền tảng nổi. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới chỉ có 2 dự án điện mặt trời nổi tại hồ thủy điện Đa Mi (Bình Thuận) với công suất 47,5MWp (được đưa vào vận hành tháng 5/2019) và nhà máy điện mặt trời đặt trên diện tích đất bán ngập nước của hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) với công suất 420MW.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, điện mặt trời đang phát triển rất nhanh, hiện đã vượt kế hoạch. Cụ thể, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là có 4.000MW điện mặt trời, nhưng hiện nay đã đạt hơn 4.500MW. Đây là điều đáng mừng vì xu thế thế giới tập trung nhiều vào năng lượng sạch. Riêng đối với điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi, nếu chỉ tận dụng đất bán ngập và diện tích mặt nước xung quanh hồ thì tổng điện năng có thể đạt 15.000MWp (trên cơ sở tính toán diện tích mặt nước 1,2ha/MW). Ngoài ra, đầu tư sẽ nhanh hơn do không phải giải phóng mặt bằng (dù suất đầu tư có thể lớn hơn).

Nước ta có tiềm năng lớn về điện mặt trời nổi. (Ảnh minh họa)

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, việc khai thác điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi sẽ có những lợi thế về mặt bằng, đất đai, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Đây cũng là mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển ngành thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, đa nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu không chỉ của ngành mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Giáo sư Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội đập lớn, với khoảng 6 nghìn hồ chứa thủy lợi, chủ trương phát triển điện mặt trời trên các hồ chứa là rất đúng đắn bởi vì năng lượng tái tạo hiện nay đang là xu thế, dần dần sẽ phát triển và thay thế các nguồn năng lượng truyền thống, phù hợp với lợi ích nhiều mặt, trước hết là giảm thiểu được những tác động về môi trường.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý khi thúc đẩy phát triển điện mặt trời nổi như: loại hồ nào có thể phát triển được điện mặt trời? điện mặt trời nổi có ảnh hưởng như thế nào đến môi sinh? công nghệ nào áp dụng thì phù hợp với nước ta?... Đây sẽ là những vấn đề mà các bộ ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu trong thời gian tới nhằm tận dụng triệt để nguồn tài nguyên mặt nước hồ chứa cho phát triển điện mặt trời.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đảm bảo việc triển khai hiệu quả điện mặt trời trên các hồ chứa thủy lợi, cần có những xem xét, tính toán cụ thể đối với hồ chứa đủ điều kiện để triển khai, đồng thời có tiêu chí, quy định khi triển khai điện mặt trời phải đảm bảo an toàn về môi trường, hiệu quả cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trong quản lý, vận hành và khai thác hồ chứa. “Đây là những vấn đề rất mới, lần đầu tiên ở Việt Nam nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cố gắng trong năm nay sẽ ban hành những văn bản hướng dẫn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tiến Đạt