Trong nước

Kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Thứ ba, 19/9/2023 | 11:27 GMT+7
Ngày 19/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng nền kinh tế nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Trong khi đó, từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt, một trong những bài học quan trọng nhất mà Chính phủ đúc kết được là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ, ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài. Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới là cần tăng cường, phát huy nội lực, vận dụng, khai thác hiệu quả ngoại lực để thích ứng và phát triển. Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định, bền vững, giúp đất nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, chống chịu trước các cú sốc, khủng hoảng từ bên ngoài; đồng thời giúp nền kinh tế tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Để diễn đàn diễn ra hiệu quả, thiết thực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận tập trung về ba vấn đề lớn sau: cơ hội, rủi ro, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo trong bối cảnh kinh tế, tài chính khu vực, thế giới hiện nay; thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay, dự báo cho cả năm 2023, 2024 và giai đoạn 2021 – 2025; năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và giai đoạn 2021 – 2025.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 không chỉ bàn về những vấn đề trước mắt mà còn đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài. Nội dung quan trọng mà sự kiện nêu ra lần này là nâng cao năng suất lao động - phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Do đó, để xác định kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học thảo luận, tìm ra những giải pháp thực tiễn, khả thi, đột phá nhằm khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế: khôi phục tiêu dùng trong nước; khôi phục dòng vốn đầu tư; khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, điểm lại những nỗ lực phấn đấu, kết quả đạt được và điều chưa làm được trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ 2021 - 2025, ông Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu cần tiếp tục kế thừa ba bài học kinh nghiệm sâu sắc đã đúc kết được. Cụ thể, hoán chuyển những rủi ro, thách thức từ bên ngoài trở thành cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò tâm điểm kết nối, thu hút các dòng vốn đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu; càng trong khó khăn, càng cần phải chú ý đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội; tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách trên nguyên tắc: bám sát chương trình, kế hoạch hành động; chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề ra những giải pháp khả thi, bám sát thực tiễn gắn với cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm…

Căn cứ các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc diễn đàn, ban tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thanh Tâm (T/H)