Quy hoạch, xây dựng

Lâm Đồng hướng đến thành phố hiện đại, xanh, thông minh

Thứ năm, 2/11/2023 | 11:29 GMT+7
Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa thông qua Nghị quyết Quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng diện tích tự nhiên trên 9.781 km2. Theo đó, “Tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, xanh, thông minh, có bản sắc và đáng sống vào năm 2045”.

Quy hoạch và phát triển

Trước hết, Nghị quyết đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường cụ thể. Theo đó, là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển cũng như phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động. Trong đó Lâm Đồng xác định 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế và 3 cực tăng trưởng.

Nghị quyết của HĐND tỉnh Lâm Đồng  cũng thông qua phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn. Cụ thể là, định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; phương án quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2025 toàn tỉnh có 17 đô thị; phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn được chia làm 4 khu vực chính (đô thị xanh, đô thị hóa dọc các tuyến giao thông chính, nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp và khu vực rừng)….

Về phương án phát triển các khu chức năng, gồm có khu công nghiệp (đến nằm 2030 phát triển 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 538 ha),…; cụm công nghiệp (giữa nguyên 8 cụm hiện hữu với tổng diện tích hơn 262 ha) và khu du lịch.

Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật bao gồm: mạng lưới giao thông (đường bộ, đường sắt, cảng cạn, cảng hàng không, sân bay); hạ tầng thông tin và truyền thông; mạng lưới thủy lợi, cấp nước, thoát nước; các khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Riêng Phương án phát triển mạng lưới cấp điện, Nghị quyết nêu rõ: “Tăng cường cung cấp nhu cầu năng lượng của tỉnh, đảm bảo cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn từ năm 2021 - 2030; xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối đồng bộ để vận hành hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng. Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả và bám sát Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Các dự án thuỷ điện tích năng, điện gió, điện mặt trời…phải đảm bảo tính khả thi trong triển khai. Không phát triển các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ có công suất dưới 10MW (trừ những dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư)”.

Lâm Đồng không phát triển dự án thủy điện công suất dưới 10 MW (trừ đã được quyết định chủ trương đầu tư)

Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội bao gồm các mạng lưới về cơ sở y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, nuôi dưỡng/điều dưỡng người có công với cách mạng…, văn hóa, thể thao, thương mại, khoa học và công nghệ….

Bảo vệ môi trường và tài nguyên, đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu

Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học bao gồm các nội dung sau. Phân vùng môi trường theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác đã được định hướng trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó là xây dựng và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên; hành lang đa dạng sinh học; các cơ sở bao tồn đa dạng sinh học và về cảnh quan sinh thái quan trọng.

Về bảo vệ và phát triển rừng, định hướng phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; bảo vệ và phát triển hiệu quả diện tích rừng hiện có và rừng được tạo mới, đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Lâm Đồng đảm bảo tổng diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2030 là 537.727 ha và tỷ lệ che phủ khoảng 55%...

Tỷ lệ che phủ rừng của Lâm Đồng năm 2030 đạt khoảng 55%

Đó còn là các phương án về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Và phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Minh Đạo