Nâng cấp điện áp - Giải pháp giảm tổn thất điện năng hiệu quả

Thứ năm, 25/8/2016 | 14:14 GMT+7
Theo số liệu năm 2013, tổn thất điện của Việt Nam đứng ở vị trí 46/138 quốc gia.

Vì vậy, cùng với việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn theo chủ trương của Chính phủ, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đẩy mạnh các giải pháp để giảm tổn thất điện năng, giúp giảm áp lực đầu tư nguồn điện, là cơ sở để tính đúng, tính đủ giá thành điện và nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của ngành điện. Theo đó, EVN phấn đấu đưa tỷ lệ tổn thất toàn ngành từ 7,94% năm 2015 xuống còn 6,5% vào năm 2020. 

Theo báo cáo của Tổng Công ty điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), công tác thực hiện giảm tỷ lệ điện dùng để truyền tải và phân phối điện năng (gọi tắt là tổn thất điện năng) trên lưới điện được đơn vị này hết sức quan tâm, thành lập cả ban chỉ đạo để triển khai - với 8 giải pháp trọng tâm. Cùng với các biện pháp giúp giảm tổn thất thương mại, EVNHCMC đặc biệt chú trọng tới các giải pháp đầu tư công nghệ, nâng cấp lưới điện để giảm tổn thất kỹ thuật. Trong đó, nâng cấp điện áp lưới điện trung thế được đánh giá giúp giảm tổn thất điện năng lớn. 

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó TGĐ Tổng Công ty điện lực TP HCM cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phân tích và xử lý các khu vực có tổn thất cao, EVNHCMC thực hiện theo dõi và tính toán tổn thất phân theo từng cấp điện áp, bao gồm lưới truyền tải do Công ty lưới điện cao thế quản lý và lưới điện phân phối (bao gồm lưới trung thế và hạ thế) do 16 Công ty điện lực quận, huyện quản lý. 

Chỉ tính riêng việc nâng cao cấp điện áp, từ cấp 15kV lên 22kV của lưới điện trung thế - dù mới thay thế được khoảng 50% nhưng đã cho hiệu quả rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, trong năm 2016 này, EVNHCM sẽ thay thế được khoảng 258/539 tuyến đường dây 15kV lên cấp điện áp 22kV.

Theo ông Trần Vũ Thắm - PGĐ Công ty Điện lực Thủ Đức, việc nâng cấp điện áp 15kV lên 22kV cho các lộ ra trung thế không chỉ giúp ngành điện giảm được tổn thất điện năng trên lưới, mà còn đưa đơn giá tiền điện của khách hàng giảm xuống. Cụ thể, theo biểu giá bán lẻ điện được Chính phủ quy định, tính theo giờ bình thường, với cấp điện áp 15kV khách hàng phải trả 1.453 đồng/kWh điện, nhưng ở cấp điện áp 22kV, khách hàng giảm được 48 đồng/kWh (chỉ còn 1.405 đồng/kWh).

Để được khách hàng ủng hộ chủ trương này, Điện lực Thủ Đức đã có 6 tháng để thực hiện các bước chuẩn bị, tuyên truyền về lợi ích trong việc đầu tư, nâng cấp hoặc thay thế máy biến áp mới đồng bộ với cấp điện áp 22kV. Bởi, đối với doanh nghiệp lắp đặt máy biến áp từ sau năm 1996 thì máy đã có đủ 2 cấp điện áp 15 và 22kV nên chỉ phải điều chuyển điện áp hoặc thay thế một vài thiết bị, không phải đầu tư máy mới. Nhưng với các máy biến áp được lắp đặt từ năm 1996 trở về trước  thì phải thay thế mới, hoặc phải quấn lại, với kinh phí dao động khoảng 150 triệu đồng/trạm biến áp. Ông Trần Vũ Thắm cho biết, ngành điện có chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp khó khăn thực hiện việc chuyển đổi này.

Ông Nguyễn Đức San- Phó trưởng ban thường trực Ban điều hành Khu chế xuất Linh Trung 1&2 ghi nhận việc cung cấp điện an toàn, ổn định cho gần 60 doanh nghiệp tại 2 khu chế xuất này cũng như việc đồng hành của BQL khu chế xuất với ngành điện trong việc tuyên truyền, vận động doanh nghiệp ủng hộ chủ trương nâng cấp điện áp từ 15kV lên 22kV thời gian qua.

"Việc chuyển các cấp điện áp lưới trung thế là việc thay đổi tiêu chuẩn mà các khách hàng phải thực hiện. Việc chuẩn điện áp thì trước năm 1995 là cấp điện áp 15kV, sang năm 1996  thì ngành điện đã có ý định chuyển sang cấp điện áp 22kV .. Từ thời điểm đó các khách hàng đều phải đầu tư các máy biến thế sẵn sàng cho 2 cấp điện áp, tức là sử dụng cấp điện áp 15kV hiện thời và sẵn sàng cho việc chờ đợi khi việc áp dụng cấp điện áp 22kV. Tại KCX Linh Trung 1, ngành điện thay thế cũng lâu rồi và theo kế hoạch 2017 sẽ đầu tư thay thế ở Linh Trung 2. Các doanh nghiệp cũng đồng thuận chủ trương này"- ông San cho biết.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, để đưa tổn thất điện năng từ gần 8% xuống còn 6,5%, một trong những giải pháp quan trọng được ngành điện tập trung thực hiện, đó là quản lý chất lượng thiết bị, thay thế dần các thiết bị cũ, kém chất lượng (như: thống kê các MBA, dây dẫn, thiết bị đã vận hành lâu năm có tổn thất tăng cao, có nguy cơ sự cố trong vận hành để có kế hoạch thay thế kịp thời); Xây dựng tiêu chuẩn thiết bị chính trên lưới điện sử dụng thống nhất… Trong đó có việc nâng cấp lưới điện trung thế từ các cấp điện áp thấp như 6-10-15kV lên 22-35kV.

PV/Nguyên Long