Khoa học công nghệ

Năng lượng nguyên tử trong y tế: Tăng cường ứng dụng

Thứ năm, 13/10/2016 | 09:29 GMT+7
Trong nhiều năm qua, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế ngày càng được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi, góp phần quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, nhất là ung thư, mà các thiết bị, phương pháp khác không thể thay thế.

Theo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, hiện toàn quốc có 23 cơ sở xạ trị, 30 cơ sở y học hạt nhân hoạt động và hàng trăm cơ sở điện quang với 53 máy xạ trị, đạt tỷ lệ 0,6 máy/triệu dân. Trong đó, 30 máy xạ trị tập trung ở các bệnh viện, trung tâm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cả nước hiện cũng đã có 31 máy SPECT, 4 máy SPECT/CT, 6 máy PET/CT với 5 cyclotron. Đặc biệt, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước đều có máy chụp X-quang thường quy, các bệnh viện tuyến tỉnh về cơ bản đã có máy CT, MRI. Nhiều đồng vị phóng xạ và hợp chất đánh dấu đã được sản xuất trong nước.

Trung tâm y học hạt nhân và xạ trị Bệnh viện Đà nẵng

GS.TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện các bệnh viện lớn như: Bạch Mai, K, Chợ Rẫy... đã đủ điều kiện ứng dụng các kỹ thuật cơ bản ở cả 3 lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân, xạ trị. Trong đó, đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Chẳng hạn, áp dụng thành công kỹ thuật điều trị ung thư tế bào gan (HCC) bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ Y-90 tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân y 108 và Bệnh viện Chợ Rẫy. Hay, triển khai kỹ thuật xạ trị áp sát không chỉ điều trị ung thư cổ tử cung mà còn điều trị ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư thực quản tại Bệnh viện Bạch Mai…

Mặc dù vậy, nhưng GS Khoa cũng thừa nhận, đây là lĩnh vực mới, khó và đặc biệt, hầu hết các thiết bị chẩn đoán và điều trị của cả 3 chuyên ngành điện quang, y học hạt nhân, xạ trị đều rất đắt tiền, Việt Nam chưa tự sản xuất được mà phải nhập từ các nước phát triển hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, đây là một khó khăn, cản trở cho sự phát triển mở rộng của việc ứng dụng năng lượng bức xạ trong y tế.

GS.TSKH Phan Sỹ An - Hội Điện Quang và Y học hạt nhân Việt Nam cho rằng, cơ sở vật chất của các đơn vị ứng dụng bức xạ y tế hiện còn nghèo nàn, thiếu các trang thiết bị cơ bản và hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị; đặc biệt, chưa đồng bộ tại các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tỉnh, huyện. Thậm chí, rất nhiều bệnh viện đã có thiết bị nhưng những thiết bị này đã được sử dụng quá lâu và lạc hậu.

Do đó, cần tạo bước đột phá về đầu tư, nhất là đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn ODA cho phát triển mạng lưới các cơ sở y tế ứng dụng bức xạ để khám, chữa bệnh. Tăng cường xã hội hóa theo đúng quy định của nhà nước để đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị bức xạ, điện quang. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức, tài chính để thiết lập cơ sở đào tạo chính quy cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế.

GS.TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:

"Cho đến nay, hàng ngàn bệnh nhân tại các bệnh viện đã được áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bằng các thiết bị bức xạ, ứng dụng năng lượng nguyên tử bảo đảm tuyệt đối an toàn, hiệu quả cao."

PV/Quỳnh Nga