Ngành điện chuẩn bị phương án ứng phó với bão CONSON và mưa lớn

Thứ tư, 8/9/2021 | 10:46 GMT+7
Ngày 8/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có công điện số 5513/CĐ-EVN gửi các đơn vị thành viên về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão CONSON và mưa lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão CONSON sẽ vào Biển Đông trở thành cơn bão số 5. Dự báo, đến 7 giờ ngày 9/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 119,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 790km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 11.

Để chủ động ứng phó với bão CONSON và mưa lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) EVN yêu cầu các đơn vị theo dõi thường xuyên, đồng thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết và diễn biến dịch bệnh COVID-19 qua các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin Viber, Facebook của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Bộ Y tế và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời. Cập nhật, thực hiện đầy đủ các nội dung trong công điện, văn bản chỉ đạo của các cấp được đăng tải trên trang web http://phongchongthientai.evn.com.vn của Tập đoàn.

Dự báo hướng đi của bão CONSON

Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất; thực hiện tốt phương châm phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh là “4 tại chỗ + 5K + vaccine”. 

Tiếp tục rà soát, hiệu chỉnh phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tăng cường, chủ động phương án kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin (điện thoại, email, D-Office; Zoom Meeting, Microsoft Teams; mạng xã hội Facebook, Viber, Zalo...) phục vụ công tác kiểm tra, diễn tập, chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó.

Tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Các công ty thủy điện trực thuộc; các tổng công ty phát điện/công ty thủy điện tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để tuyên truyền, vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chủ động phương án để tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu. Bố trí lực lượng để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.

Công ty nhiệt điện trực thuộc, các tổng công ty phát điện/công ty nhiệt điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Các đơn vị lưu ý dự phòng nhiên liệu cho sản xuất điện khi các địa phương thực hiện lệnh cấm biển.

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia/công ty truyền tải điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời. Các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ. Khẩn trương gia cố các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở của các đợt mưa bão trước; khắc phục những tồn tại khiếm khuyết của lưới điện tại khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Các tổng công ty điện lực tiếp tục chỉ đạo củng cố lưới điện, xử lý các tồn tại, gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố để đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra. Khi có ảnh hưởng của thiên tai gây sự cố mất điện cần nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện đảm bảo an toàn cho các khách hàng đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn. Khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, tổ chức cắt tỉa cây xanh, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ. 

EVN yêu cầu các đơn vị thành viên chủ động ứng phó với diễn biến của bão CONSON và mưa lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. (Ảnh minh họa)

Ban Quản lý dự án Điện 1 kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến của thiên tai, tổ chức ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị trên công trường.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia/trung tâm điều độ miền theo dõi sát diễn biến của thiên tai. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, nhanh chóng chỉ huy khắc phục khi sự cố xảy ra. 

Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ Thông tin đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ điều hành, cập nhật thường xuyên và đầy đủ diễn biến của thiên tai và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn trên trang web http://phongchongthientai.evn.com.vn. 

Trung tâm Thông tin Điện lực thường xuyên cập nhật thông tin, đưa tin bài, hình ảnh về công tác chỉ đạo điều hành, công tác chuẩn bị phòng tránh, ứng phó và quá trình khắc phục hậu quả thiên tai. Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24g, tuyệt đối không được chủ quan và cần tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí để cung cấp, đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác.

Đình Tú