Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

Thứ ba, 19/12/2023 | 14:30 GMT+7
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH15 về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.

Theo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung của Báo cáo số 709/BC-ĐGS ngày 4/12/2023 của đoàn giám sát với những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ yếu cụ thể. Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, nghiên cứu, thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát tại báo cáo nêu trên và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, gồm nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xong trước cuối năm 2025; nhóm nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xong trước cuối năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu: rà soát, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bao gồm: Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Dự trữ quốc gia.

Ảnh minh họa

Về chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia và các quy hoạch, kế hoạch liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu: trong năm 2023, ban hành Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Kế hoạch thực hiện các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, đầu tư, quy hoạch để thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án nguồn, lưới điện; nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động, có cơ chế phù hợp, nếu cần thiết đề xuất cơ chế đặc thù để triển khai kịp tiến độ các dự án nguồn và lưới điện cấp bách.

Trong năm 2024, đánh giá, rà soát, cập nhật tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII để điều chỉnh kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội với chi phí hợp lý, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực, năng lực, trình độ công nghệ; rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển hợp lý điện khí, năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu hydro… Khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp với triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Đối với phân ngành năng lượng tái tạo, năng lượng khác: hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo, trọng tâm là các cơ chế về: điện gió ngoài khơi trên cơ sở đánh giá tác động và bảo đảm quốc phòng, an ninh; điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà tại các tòa nhà công sở, nhà dân, công trình công cộng, khu công nghiệp; hệ thống lưu trữ năng lượng, pin nhiên liệu trong phương tiện giao thông vận tải. Sớm ban hành cơ chế phát triển điện gió, điện mặt trời mái nhà cho khu vực miền Bắc để hạn chế tình trạng thiếu điện ngay trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tiến hành tổng kết Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023, kéo dài thời gian thực hiện nếu cần thiết hoặc xây dựng cơ chế, chính sách mới, bảo đảm tuân thủ theo tinh thần Nghị quyết số 31/2016/QH14, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và của địa phương.

Về chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững: tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường năng lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững, vừa đáp ứng đồng thời yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh tài chính, an sinh xã hội và phấn đấu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế. Trước mắt, tập trung xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm kê khí nhà kính, phát triển thị trường carbon và áp dụng cơ chế, chính sách về tín chỉ carbon, thuế carbon, cơ chế giải quyết các vấn đề môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than và trong phát triển năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng yêu cầu, cam kết quốc tế về an toàn môi trường, phát triển bền vững.

Đức Dũng