Nghiên cứu giảm thiểu rủi ro từ nạo vét cát tại Việt Nam

Thứ hai, 2/12/2019 | 12:19 GMT+7
Cát và sỏi là tài nguyên được khai thác nhiều nhất trên thế giới. Khai thác cát là một trong những nguyên nhân gây những hậu quả tiêu cực về môi trường.

Hiện nay, cát trở thành một mặt hàng toàn cầu. Tổ chức Môi trường Liên Hợp Quốc (UN Enviroment) chỉ ra rằng, trên toàn thế giới, khối lượng trầm tích được khai thác cho ngành xây dựng hiện đạt khoảng 50 tỷ tấn mỗi năm. Cát không chỉ là nguyên liệu cho ngành xây dựng mà còn được sử dụng làm bờ kè, khai thác dầu khí đá phiến và được ứng dụng cho sản xuất một số sản phẩm điện tử. 

Theo dữ liệu được công bố mới đây từ Đối tác quốc tế về Đổi mới bền vững (CLIENT II) trong Ngày Khoa học Đức, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực khai thác nhiều nhất nguồn tài nguyên cát, sỏi. Theo đó, để giảm thiểu tác động môi trường, CLIENT II đã giới thiệu phương pháp sử dụng công nghệ, kỹ thuật để quản lý việc nạo vét cát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời tạo ra các nguồn vật liệu thay thế.

Thiếu cát là một trong những vấn đề cấp bách nhất trong lĩnh vực xây dựng tại các thị trường mới nổi như Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, nạo vét lòng sông để khai thác cát còn gây ra hàng loạt những vụ sạt lở, lũ lụt nghiêm trọng.

Khai thác cát trái phép xuất hiện nhiều ở các bờ sông 

Thị trường về công nghệ và dịch vụ môi trường tại Việt Nam hiện đang phát triển năng động. Song song với việc khai thác, các nhà đầu tư đang tăng cường tìm kiếm giải pháp cho việc sử dụng các nguồn tài nguyên khan hiếm một cách an toàn và thân thiện với môi trường. 

Do đó, một số nghiên cứu đã được đưa ra từ việc mô phỏng và phân tích trạng thái thực của các vấn đề môi trường do nạo vét, nhằm tập trung vào việc ổn định dòng chảy, kiên cố bờ, giảm sụt lở và rủi ro lũ lụt.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn vật liệu xây dựng thay thế cát, sỏi tự nhiên như vật liệu tái chế, cát nghiền nhân tạo. Một số nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tham vấn với các bộ, ngành để xây dựng khung pháp lý cho việc sử dụng vật liệu xây dựng thay thế khoáng sản trong tương lai, bao gồm cả các yêu cầu đảm bảo chất lượng cho việc sử dụng vật liệu xây dựng thay thế.

Tại tỉnh An Giang, các đối tác trong và ngoài nước đã tiến hành nghiên cứu bước đầu như kiểm kê, thực hiện lắp đặt một vài công nghệ thí điểm và đánh giá một số kết quả thu được. Từ những nghiên cứu giảm thiểu việc khai thác tài nguyên cát, sỏi, các nhà nghiên cứu mong muốn góp phần vào phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua cải thiện việc quản lý khai thác trầm tích nói riêng, cũng như quản lý tài nguyên, đất, nước, hiểm họa thiên nhiên nói chung.
 

Gia Linh