Nông nghiệp sạch

Phát triển bền vững ngành sản xuất dược liệu

Thứ ba, 25/7/2023 | 17:57 GMT+7
Ngày 25/7, Liên minh hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức diễn đàn “Kinh tế dược liệu Việt Nam - Thế mạnh của kinh tế tập thể, hợp tác xã”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu. Doanh thu hàng năm của thuốc từ dược liệu trên toàn thế giới đạt trên 100 tỷ USD và nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.

Trong khi đó, thống kê của Hải quan Nhật Bản chỉ ra rằng, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dược liệu của Việt Nam sang Nhật Bản đã lên tới 8,6 triệu USD. Tiềm năng cho dược liệu Việt Nam ở Nhật Bản vẫn còn rất lớn, nhất là khi nhiều công ty dược phẩm của Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn nhập khẩu dược liệu của Việt Nam.

Thông tin tại diễn đàn, TS. Nguyễn Minh Khởi, Viện Dược liệu cho biết, từ năm 2011 đến nay, thông qua Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene cấp quốc gia, Viện Dược liệu đã chủ trì và phối hợp nghiên cứu trên một số đối tượng: đảng sâm Việt Nam, hà thủ ô đỏ, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh, bạch truật, sâm bố chính, cát cánh, độc hoạt, kim ngân, huyền sâm. Kết quả thu được từ các nhiệm vụ này là cơ sở dữ liệu về phân bố và đa dạng nguồn gene cây thuốc, vườn giống gốc, tiêu chuẩn giống, mô hình nhân giống, mô hình trồng và sơ chế dược liệu. Đây là tiền đề cho việc nhân rộng mô hình trồng ở quy mô lớn hơn nhằm phát triển vùng nguyên liệu làm thuốc cho địa phương.

Phát triển thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe

Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu cùng trao đổi, thông tin về nhiều vấn đề liên quan đến trồng và sản xuất cây dược liệu tại Việt Nam. Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, trường Đại học Dược Hà Nội, với thị trường trong nước, tổng số loài cây thuốc sử dụng trong y học cổ truyền là khoảng 800 loài, tổng nhu cầu về lượng là khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng số loài thảo dược có nhu cầu sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, đồ uống vào khoảng 300 loài, với khối lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng giá trị xuất khẩu thảo dược Việt Nam được ước lượng khoảng 400 triệu USD/năm, trong đó đóng góp chính là quế, hồi và thảo quả. 

TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền cho biết, Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực triển khai dự án. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gene dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam đánh giá, dược liệu Việt Nam là tài nguyên quý giá của đất nước và là thế mạnh của kinh tế tập thể hợp tác xã. Để các sản phẩm dược liệu mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định ra thế giới, cần sự liên kết của 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nhân.

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gene, trong đó có rất nhiều nguồn được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh. Ước tính có 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam được biết đến chiếm khoảng 11%. Đây là một trong những cơ hội lớn cho các hợp tác xã sản xuất dược liệu tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ diễn đàn, ban tổ chức cũng khai mạc triển lãm “Con đường dược liệu Việt Nam” trưng bày nhiều loại dược liệu quý được trồng và sản xuất tại các địa phương. Tại đây sẽ diễn ra các phiên giao thương, kết nối xúc tiến thương mại của doanh nghiệp mua và bán để cùng quảng bá sản phẩm dược phẩm Việt Nam.

Phương An (T/H)