Nông nghiệp sạch

Phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững

Thứ sáu, 10/9/2021 | 15:50 GMT+7
Ngày 10/9, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương tổ chức hội thảo quốc gia "Phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á".

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm trao đổi và thảo luận về những chủ đề liên quan tới chuỗi giá trị nông sản, nông nghiệp bền vững; chính sách thương mại hàng nông sản; những thách thức phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế cho biết, các vấn đề được đề cập trong hội thảo đều là những vấn đề thời sự, liên quan mật thiết đến bối cảnh thực tế hiện nay, đặc biệt là những vấn đề về phát triển nông nghiệp bền vững; ứng phó khủng hoảng trong dài hạn và ngắn hạn như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đại dịch Covid-19... đang được Việt Nam và quốc tế quan tâm.

Theo TS. Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể. Trong đó, các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 là tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%; tỷ trọng nông sản chế biến trong tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu đạt 50 - 60%; tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trên GDP ngành nông nghiệp đạt khoảng 20 - 25%; kinh tế số trong nông nghiệp đạt khoảng 20 - 25% GDP nông nghiệp... Do đó, cần có giải pháp trong chuỗi giá trị và xác định các mắt xích hiện nay cái gì đã đạt được, cái gì chưa được và vẫn còn tiềm năng để tập trung nhiều hơn nhằm tăng chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Hướng đến sản xuất, tiêu thụ trong ngành nông nghiệp kết hợp công nghệ cao và bền vững

Bên cạnh đó, đánh giá về thách thức và cơ hội đối với hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam bền vững, PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động đến các chuỗi giá trị thực phẩm như: làm đứt gãy chuỗi giá trị; gây nên tình trạng thiếu dịch vụ hậu cần (logistics); tình trạng không có việc làm, lao động di cư; gia tăng chi phí sản xuất và thái độ tiêu dùng có sự thay đổi...

Từ đó, ông Đào Thế Anh đưa ra một số giải pháp để cải thiện và biến những thách thức thành cơ hội như: cải thiện khả năng chống chịu và sản xuất an toàn hơn hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam nhờ chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái; đẩy mạnh tiêu dùng bền vững bằng chế độ ăn đa dạng và thực hiện nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng. Bằng cách củng cố các liên kết hợp tác xã - doanh nghiệp, xây dựng được các chuỗi giá trị thực phẩm cạnh tranh, minh bạch và công bằng. Cần áp dụng khoa học công nghệ, công nghệ số để minh bạch hóa chuỗi thực phẩm. Giảm lượng lương thực, thực phẩm hao hụt, lãng phí và ứng dụng kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, phải tăng cường tiếp cận, tính sẵn có của thực phẩm, và sử dụng thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng hợp lý cho khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa nhằm giảm suy dinh dưỡng, thiếu dinh dưỡng ở mẹ và trẻ em. Tuyên truyền giáo dục và có chính sách phù hợp để kiểm soát thực phẩm không lành mạnh, tạo cơ hội cho thực phẩm an toàn vệ sinh, chống thừa cân, béo phì, bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng.

Để bảo đảm các chuỗi giá trị thực phẩm, cần tăng cường kết nối thông tin và điều phối chuỗi giá trị; tăng cường áp dụng an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Quá trình phát triển chuỗi giá trị thực phẩm, cần minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc; đa dạng kênh phân phối, thương mại điện tử...

Bên cạnh những phân tích trên, các nhà quản lý, nhà khoa học tham gia hội thảo cũng chia sẻ, đánh giá về chính sách và thực tiễn các vấn đề đặt ra trong phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á; những biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật trong thương mại nông sản...

Thanh Tâm (T/H)