Điện hạt nhân

Phát triển điện hạt nhân là chiến lược dài hạn của quốc gia

Thứ tư, 4/11/2015 | 15:40 GMT+7
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, Trưởng ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại Hội thảo về đấu thầu và đánh giá thầu cho các dự án điện hạt nhân theo hình thức hợp đồng EPC chính thức diễn ra ngày 23/3/2015 và kéo dài tới ngày 26/3 tại Hà Nội.

Thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, tháng 11/2009, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và Chính phủ đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm hai NMĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, mỗi nhà máy gồm hai lò phản ứng với công suất điện khoảng 1000MW/mỗi lò.

Hội thảo về đấu thầu và đánh giá thầu cho các dự án điện hạt nhân theo hình thức hợp đồng EPC.

Năm 2010, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1; năm 2011, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Thỏa thuận về hợp tác xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 2. 

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, được triển khai thực hiện trong bối cảnh xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3/2011. Trong thời gian qua, Việt Nam nói chung và EVN nói riêng đã nhận được nhiều sự quan tâm, trợ giúp của IAEA trong việc phát triển 19 cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, thông qua nhiều chương trình hội thảo, khóa đào tạo, tham quan học tập về điện hạt nhân trong nước và nước ngoài. 

Theo khuyến cáo của IAEA, với những nước lần đầu tiên làm điện hạt nhân như Việt Nam nên áp dụng phương thức hợp đồng chìa khóa trao tay hay hợp đồng EPC. Do tính phức tạp và quy mô của dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, một trong những vấn đề mà các quốc gia cần đặc biệt chú trọng đó là quá trình đấu thầu hợp đồng EPC từ việc lập thông số mời thầu, đánh giá thầu, đến đàm phán và ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn. Ngoài ra, IAEA cũng khuyến cáo chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân khi bắt đầu quá trình đấu thầu cần có đủ đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật và kinh tế để đánh giá thầu và đàm phán hợp đồng.

Việt Nam hướng tới những dự án điện hạt nhân an toàn, hiệu quả. 

“Hội thảo lần này do IAEA tài trợ nhằm giới thiệu sâu các vấn đề liên quan đến quy trình đấu thầu áp dụng cho các dự án lớn; đánh giá kinh tế đối với hồ sơ thầu và ký hợp đồng EPC cho nhà máy điện hạt nhân; tiêu chuẩn ISO liên quan đến đấu thầu xây dựng, giới thiệu về tiêu chí đánh giá thầu trong trường hợp chỉ định thầu khi có hiệp định liên chính phủ…” - ông Lâm chia sẻ.

Cũng theo ông Lâm, để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, hiện đại thì các yêu cầu về đa dạng hóa nguồn năng lượng, đảm bảo cung cấp năng lượng an toàn, bền vững, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường là những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Xem xét các hiệu quả tổng hợp của phát triển điện hạt nhân như đáp ứng nhu cầu điện năng cho đất nước; nâng cao tính an toàn trong cung cấp năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng; góp phần giảm ô nhiễm môi trường từ nhiên liệu hóa thạch; tăng cường tiềm lực khoa học kỹ thuật và công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển; nâng cao vị thế quốc gia…. Cho nên, phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam là chiến lược dài hạn của quốc gia bên cạnh việc tận dụng các nguồn tài nguyên trong nước và nhập khẩu năng lượng ở mức độ thích hợp.

Theo thông tin mà Văn phòng Chính phủ cung cấp thêm tới các nhà báo chuyên trách Điện lực, đến nay, dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 & 2 đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm để lấy ý kiến các Bộ, ngành và Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Song song với các dự án hạ tầng, chủ đầu tư cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực với việc cử 235/325 sinh viên và 24 kỹ sư học chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga và Nhật Bản.

Chính phủ cũng dành khoảng 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để đào tạo cán bộ khoa học trong lĩnh vực điện hạt nhân từ trình độ cao đẳng, đại học đến sau đại học cũng như đào tạo các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan. Trước khi có dự án gửi đi đào tạo cấp Nhà nước do Bộ Giáo dục chủ trì, EVN cũng dành kinh phí của Tập đoàn để đào tạo cán bộ kỹ thuật và vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Ngọc Thọ