Phát triển logistics ở cảng Quốc tế Lào-Việt: Cơ hội lớn nhưng thách thức không nhỏ

Thứ tư, 27/11/2019 | 09:59 GMT+7
Logistics là một ngành dịch vụ, hỗ trợ, kết nối quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế quốc dân. Đối với Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt, làm cách nào biến logistics thành “chiếc đũa thần” giúp cảng này vượt qua thử thách? Và những giải pháp để phát triển logistics ở Cảng quốc tế Lào- Việt trong thời gian tới, là những nội dung người viết muốn sẽ chia sẻ cùng bạn đọc dưới đây.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới về chỉ số năng lực logistic của Việt Nam đã tăng từ hạng 64/160 nước lên thứ hạng 39 trong năm 2018. Tuy nhiên, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách phát luật logistics, phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong kết cấu hạ tầng logistics, tăng cường chất lượng dịch vụ nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh góp phần đẩy mạnh phát triển các chuỗi cung ứng hỗ trợ cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Thực trạng phát triển dịch vụ logistics tại cảng Quốc tế Lào – Việt

Ngày 26/12/1992, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 1476/QĐ-UBND thành lập Công ty Vận tải biển và Thương mại Hà Tĩnh.  Ngày 30/12/2003, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 3175 đổi tên Công ty Vận Tải biển – Thương mại Hà Tĩnh thành Cảng Hà Tĩnh trực thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh. Ngày 24/9/2008 UBND tỉnh ra Quyết định số 2663 phê duyệt phương án và chuyển Cảng Hà Tĩnh thành Công ty cổ phần. Tháng 1/2009 chính thức hoạt động theo công ty cổ phần và có tên gọi là Công ty cổ phần cảng Hà Tĩnh. Với số vốn Điều lệ là 45 tỷ đồng gồm Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh là 53%, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam 38% số còn lại là các cổ đông là người lao động đang làm việc tại Công ty và Doanh nghiệp tư nhân Hoành Sơn.

Thực hiện thông báo số 265 của Văn phòng Chính phủ ngày 26/8/2009 về việc cơ cấu lại vốn điều lệ và cổ đông để chuyển Công ty cổ phần cảng Hà Tĩnh thành Công ty cổ phần cảng Quốc tế Lào - Việt. Tại Hiệp định thư ký kết ngày 5/2/2018 tại Lào, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chấp nhận tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp (DN) Lào, đồng thời chấp thuận đổi tên thành Công ty cổ phần cảng Vũng Áng Lào – Việt theo đề nghị từ phía Lào. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị tách Công ty CP cảng Vũng Áng Lào – Việt ra khỏi Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh vì đơn vị này không có kinh nghiệm khai thác cảng.

Bốc xếp hàng hóa lên tàu ở Cảng quốc tế Lào-Việt

Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt đã định hướng, thực hiện các kế hoạch phát triển và mở rộng dự kiến từ năm 2020 đến 2025, tầm nhìn chiến lược đến năm 2030; bao gồm các khu Logistics, bãi trung chuyển; khởi công xây dựng Bến cầu số 3 cảng Vũng Áng; phát triển cảng Vũng Áng trở thành một trong những cảng biển hàng đầu khu vực Bắc Trung Bộ bằng việc hiện đại hóa cảng theo hướng container chuyên môn hóa. Với các lĩnh vực kinh doanh: cung ứng các dịch vụ hàng hải tại cảng; vận tải đường biển; cung ứng dịch vụ logistic; kinh doanh cơ sở hạ tầng cảng biển.

Cảng có điều nhiều kiện tự nhiên thuận lợi để tiếp nhận tàu hàng tải trọng đến 55.000 DWT cập bến làm hàng và một số thuận lợi khác như: gần đường hàng hải quốc tế; chiều dài luồng tàu vào cảng ngắn (tính từ phao số 0 đến cầu cảng số 2): 1.350m; luồng chạy tàu rộng: 150m; bán kính vũng quay tàu: 180m. độ sâu của luồng và vũng quay tàu: -12,0m (theo thiết kế); tốc độ bồi lắng chậm nên chi phí nạo vét luồng lạch hàng năm thấp; năng suất xếp dỡ (4 ca 24/24h): Hàng bao: 1.000 tấn/máng cẩu/ngày; hàng rời: 1.200 tấn – 3.000 tấn/máng cẩu/ngày (riêng gỗ dăm năng suất 6.000 – 7.000 tấn/băng tải/ngày); Hàng bách hóa: 500 – 1.000 tấn/máng cẩu/ngày.

Dịch vụ cung ứng: khai báo hải quan, cung cấp nước ngọt, nhiên liệu, thực phẩm; sửa chữa tàu biển, dịch vụ Logistics. Cơ sở hạ tầng: bến cập tàu; khu cảng Vũng Áng Lào-Việt hiện tại bao gồm 02 bến cập tàu: bến số 1 và số 2.

Cơ hội và thách thức

Với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, bến số 1, 2 và số 3 (đang đầu tư) cảng Vũng Áng thuộc quyền quản lý khai thác của Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt là cảng biển nước sâu mang tầm vóc một trong những cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung Việt Nam, đã đóng vai trò phát triển kinh tế khu vực, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh. Cảng kết nối hệ thống giao thông đường bộ nối liền giữa cảng với Sân bay Vinh và Ga đường sắt; cách Quốc lộ 1A khoảng 9km và gần đường hàng hải quốc tế. Cảng hiện là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của miền Trung Việt Nam và hành lang kinh tế Đông Tây, có vai trò quan trọng như một cửa ngõ chính ra biển Đông cho cả một khu vực. Sản lượng hàng hóa qua Cảng luôn có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây.

Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt bao gồm hai khu cảng chính là Xí nghiêp Xếp dỡ cảng Vũng Áng (quản lý hơn 450m cầu bến tại cảng Vũng Áng) và Xí nghiệp cảng Xuân Hải (quản lý gần 150m cầu bến tại cảng Xuân Hải) cùng các thiết bị xếp dỡ và các kho bãi hiện đại, có năng lực khai thác lên đến 3 triệu tấn hàng mỗi năm. Với hệ thống kho bãi, đê chắn sóng, thiết bị chuyên dụng hiện đại, phục vụ giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế, du lịch cho vùng hậu phương gồm các tỉnh miền Trung, nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp lên đến 55.000 DWT.

Đến nay, dự án đầu tư bãi chứa hàng khẩn cấp (1,7 ha), với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ đồng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án đầu tư lắp đặt cần cẩu tại cảng với tổng mức đầu tư khoảng 194 tỷ đồng và trạm điện công suất 1.250 KVA đã cơ bản hoàn thành. Riêng dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 3 đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2020. Được biết, bến cảng có khả năng tiếp nhận cỡ tàu trọng tải 45.000 DWT, công suất thiết kế 2,1 triệu tấn/năm.

Những năm vừa qua là những năm rất khó khăn của kinh tế cả nước, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh logistics bị thua lỗ, thậm chí phá sản. Trong khi đó, Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tương đối ổn định và có lãi. Năm 2016 lợi nhuận trước thuế đạt trên 15,66 tỷ đồng, đóng góp ngân sách gần 4 tỷ đồng. Năm 2017 lợi nhuận trước thuế đạt gần 15,65 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 4,5 tỷ đồng. Năm 2018 mặc dù là năm khủng hoảng và có nhiều biến động mạnh nhất của nền kinh tế nhưng với nỗ lực của mình công ty đã cố gắng đảm bảo được công ăn việc làm và thu nhập cho cán bộ công nhân viên đồng thời có lãi hơn 1,2 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 800 triệu đồng.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, hoạt động logistics mới bắt đầu hình thành. Các công ty giao nhận Việt Nam nói chung mới bước đầu áp dụng nhưng chưa đạt mức độ hoàn thiện mà chỉ thực hiện một vài công đoạn nào đó của quy trình logistics. Trong đó Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt cũng chưa thoát khỏi những hạn chế này. Đặc biệt, trong vấn đề vận tải đa phương thức: Các hình thức tổ chức vận tải như biển, sông, bộ… vẫn chưa thể kết hợp một cách hiệu quả, chưa tổ chức tốt các điểm chuyển tải. Phương tiện vận tải còn lạc hậu, cũ kỹ nên năng suất lao động thấp. Dịch vụ kho bãi và vận chuyển còn yếu. Hệ thống vận tải và trang thiết bị xếp dỡ còn thiếu và yếu. Thiếu đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực logistics được đào tạo bài bản. Thực sự đây là rào cản lớn cho các công ty giao nhận Việt Nam nói chung và Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt nói riêng.

Logistics là ngành quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước

Logistics không chỉ là ngành đem lại nguồn lợi khổng lồ mà còn có vai trò to lớn, liên quan mật thiết tới sự cạnh tranh sống còn của doanh nghiệp. Đối với nền kinh tế quốc dân, logistics đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong sản xuất, lưu thông, phân phối, là dịch vụ cốt yếu đối với hiệu quả tăng trưởng kinh tế, đảm bảo sự ổn định vĩ mô của bất cứ quốc gia nào. Nâng cao hiệu quả dịch vụ gắn liền với sự tham gia tích cực và hiệu quả của các doanh nghiệp logistics là chìa khóa thành công của chiến lược phát triển kinh tế.

Đối với doanh nghiệp, logistics đóng vai trò to lớn trong việc giải quyết bài toán đầu vào và đầu ra một cách có hiệu quả. Logistics có thể thay đổi nguồn tài nguyên đầu vào hoặc tối ưu hóa quá trình chu chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ… Logistics còn giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi vậy, phát triển dịch vụ Logistics của Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt trong điều kiện hội nhập là rất cần thiết để đẩy mạnh kinh doanh trong lĩnh vực này và mang lại một hướng đi vững vàng cho công ty trở thành một trong những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có thương hiệu uy tín trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu đó thì những khó khăn và thách thức đặt ra không phải là nhỏ đòi hỏi Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt phải có chiến lược phát triển tổng thể. Đặc biệt là những khó khăn về khả năng tài chính để đầu tư năng lực vận tải và kho bãi, cải thiện trình độ nhân lực và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý. Trong khi đó yêu cầu của khách hàng ngày càng cao và sức ép cạnh tranh từ thị trường khi mở cửa ngày càng lớn, đặc biệt là sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài với quy mô lớn về vốn, mạng lưới, hệ thống dịch vụ đa dạng và trình độ quản lý cao.

Trước những thách thức đó, đòi hỏi Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt trong ngắn hạn cần cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ và tích hợp những dịch vụ nhỏ lẻ thành một chuỗi dịch vụ logistics “door to door”. Đồng thời, ngay từ bây giờ Công ty cần xây dựng một kế hoạch tổng thế bao gồm: đầu tư cơ sở vật chất, năng lực vận tải; phát triển bộ phận marketing; củng cố mối liên kết với các nhà cung ứng dịch vụ vệ tinh; xây dựng lộ trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để từng bước phát triển và đa dạng hóa dịch vụ.

Bên cạnh đó, vai trò định hướng của Nhà nước và Hiệp hội trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển logistics trong đó: cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chính sách phát triển nguồn nhân lực trong logistics, đẩy mạnh quá trình tin học hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hải quan, và xây dựng những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển logistics, góp phần vào sự phát triển thành công của ngành logistics Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Trần Thế Đỉnh