Tiết kiệm điện năng

Sử dụng năng lượng hiệu quả, hướng đến mô hình sản xuất bền vững của doanh nghiệp

Thứ ba, 10/10/2023 | 15:21 GMT+7
Khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… sẽ là những giải pháp để doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Ngày 10/10, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo "Chuyển đổi xanh - xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp".

Hội thảo nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ biến, tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời kết hợp xu thế chuyển đổi nền kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) đến năm 2050.

Hội thảo đã thông tin cập nhật về tình hình phát thải toàn cầu chuỗi cung ứng; tầm quan trọng và tính cấp thiết phải chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, hướng tới kinh tế tuần hoàn; các quy định pháp luật của Việt Nam về Net Zero và lộ trình thực hiện. Các doanh nghiệp cũng chia sẻ thực trạng hoạt động xuất khẩu trước các yêu cầu xanh hóa sản xuất của thị trường hiện nay.

Chương trình cũng cung cấp, giới thiệu một số giải pháp để chuyển đổi xanh trong công nghiệp như mô hình ESCO (dự án điện mặt trời 0 đồng và cung cấp chứng chỉ iREC (chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế) cho nhà máy; công nghệ quang điện thế hệ mới Ntype Topcon (công nghệ sản xuất pin mặt trời với hiệu suất hấp thụ ánh sáng tốt hơn)…

Tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hướng đến mô hình sản xuất bền vững của doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Phương Hoàng Kim thông tin, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và chuyển đổi xanh, ngành công thương tập trung hỗ trợ, thúc đẩy 3 nhóm giải pháp. Cụ thể là áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính do giảm nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch.

Khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... hướng đến mô hình sản xuất bền vững của doanh nghiệp.

Theo ông Phương Hoàng Kim, chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Thông qua Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp các giải pháp để chuyển đổi xanh một cách hiệu quả, thành công.

Nhã Quyên (t/h)