Quy hoạch, xây dựng

TPHCM chú trọng phát triển nhà ở xã hội trong 10 năm tới

Thứ ba, 15/6/2021 | 15:18 GMT+7
UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 – 2030”. Theo đó, đề án dự kiến phát triển 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Trong 10 năm tới, Thành phố tiếp tục phát triển mạnh nhà ở chung cư và giảm dần nhà ở thấp tầng tại các dự án; phát triển nhà ở tập trung tại các quận nội thành phát triển và huyện ngoại thành, sẽ giảm dần nhà ở tại khu vực nội thành trung tâm.

Cụ thể, tại khu vực quận 1 và quận 3, UBND Thành phố ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ. Hạn chế phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng mới đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.

Đối với 11 quận nội thành gồm quận: 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh, kế hoạch là tập trung hoàn thiện các dự án dở dang, ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch cho các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ và các dự án chỉnh trang nhà ở ven kênh rạch.

Đối với quận 2, quận 7, quận 9, quận 12, quận Bình Tân và TP. Thủ Đức sẽ ưu tiên phát triển dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn. Riêng 5 huyện ngoại thành gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ sẽ ưu tiên phát triển dự án nhà ở tại các thị trấn, khu dân cư và khu vực đáp ứng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.

Việc xây dựng nhà ở xã hội vừa đáp ứng được nhu cầu cao đồng thời giúp người dân dễ tiếp cận trong thời gian tới

Khu vực ngoại thành còn được ưu tiên phát triển các khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, đô thị vệ tinh. Không phát triển dự án nhà ở mới tại các nơi chưa có kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Về nhu cầu vốn để phát triển nhà ở, dự kiến giai đoạn 2021 – 2025 sẽ cần 419.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030 là 545.500 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2009 - 2019, dân số Thành phố tăng thêm 1,8 triệu người, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 16,6m2/người (năm 2009) lên 20,1m2/người (năm 2019). Những năm qua, nhà ở chung cư cao tầng tại Thành phố chiếm tỷ lệ cao trong tổng số quy mô căn hộ của dự án, đây là xu hướng tất yếu tại các đô thị lớn. Ngoài tiết kiệm được quỹ đất, nhà ở chung cư thường có giá bán thấp hơn nhà thấp tầng nên đại đa số người dân dễ tiếp cận hơn.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố sẽ phát triển khoảng 1,96 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (trong đó khoảng 980.000m2 sàn nhà ở cho người thu nhập thấp; 980.000 m2 sàn nhà ở cho đối tượng tái định cư). Trong giai đoạn 2026 - 2020, Thành phố cần phát triển khoảng 2,13 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 24.000 căn hộ nhà ở xã hội.

Nguyễn Cường