Sức khỏe

TPHCM dần nới lỏng, các cơ sở y tế hoạt động trở lại

Thứ năm, 30/9/2021 | 11:45 GMT+7
Từ ngày 1/10, UBND TPHCM cho phép hoạt động trở lại các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, dịch vụ y tế, kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Theo đó, các cơ sở y tế được phép hoạt động trở lại chia thành 3 nhóm chính bao gồm:

Nhóm các bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, bệnh xá thuộc lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, các chuyên khoa được mở cửa gồm: nội tổng hợp, hệ nội (tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nhi và chuyên khoa khác), tư vấn sức khỏe, ngoại khoa, phụ sản, nam học, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng, mắt, thẩm mỹ, phục hồi chức năng, tâm thần, ung bướu, da liễu, y học cổ truyền, dinh dưỡng và hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy, điều trị HIV/AIDS, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phòng X-quang, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, tư vấn và điều trị dự phòng, bệnh nghề nghiệp, y học gia đình, nhà hộ sinh.

Các bệnh viện, phòng khám đa khoa trên địa bàn TPHCM tiếp nhận lại bệnh nhân

Thứ hai là nhóm các cơ sở dịch vụ y tế như: tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp; chăm sóc sức khỏe tại nhà; cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài; dịch vụ kính thuốc.

Nhóm ba gồm các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, như doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, bảo quản thuốc, bán buôn, bán lẻ thuốc; sản xuất, xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ mỹ phẩm; doanh nghiệp sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu, bán lẻ vật tư, trang thiết bị y tế.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố đang bước sang giai đoạn mới, chuẩn bị thích ứng một cách linh hoạt để sống chung với Covid-19. Bên cạnh việc khám chữa bệnh Covid-19, người dân thành phố hiện cũng có nhu cầu rất lớn trong điều trị các bệnh khác.

Do đó, Sở Y tế TPHCM đang xây dựng lộ trình thu hẹp, giải thể, chuyển đổi công năng, hoặc biến đổi công năng của tầng 1 và 2 của tháp điều trị Covid-19 ba tầng. Tuy nhiên, các lực lượng y tế chi viện vẫn sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi số bệnh nhân nặng giảm đi, phù hợp với năng lực điều trị của thành phố.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng nhưng tình hình dịch vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vaccine mũi hai của thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp hơn. Do đó, chỉ đạo mới của UBND thành phố đang dựa trên tinh thần không mở cửa ồ ạt mà phải có lộ trình cụ thể, để đảm bảo an toàn nhất cho người dân.

Khả Như