Trong nước

Thị trường mua bán dữ liệu người dùng ở Việt Nam vẫn rất nhộn nhịp và công khai

Thứ năm, 16/7/2020 | 09:00 GMT+7
Ngày 15/7, Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cùng nhiều tổ chức đã phối hợp tổ chức hội thảo “Bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số: Thảo luận và khuyến nghị chính sách".

Hiện nay, dữ liệu người dùng ngày càng trở thành tài nguyên quý giá, đem đến khoản lợi nhuận lớn cho nền kinh tế số. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, tài nguyên dữ liệu đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, những vụ việc lộ lọt thông tin cá nhân lại nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan nhà nước, gây ra những thất thoát không đáng có, làm giảm tín nhiệm của người dùng.

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2019 có đến 34% đơn khiếu nại là về hành vi doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin người tiêu dùng. Cũng theo báo cáo của Bộ Công an, có hơn 60 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Đáng chú ý, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 thì nguy cơ mất an toàn thông tin càng gia tăng. Theo thống kê trên toàn cầu của hãng bảo mật Symantec (Mỹ), trong đầu năm 2019, số lượng website bị tấn công tăng 56%, số lượng các cuộc tấn công sử dụng mã độc tăng 25%, số lượng email chứa mã độc tăng 48%...

Mua bán dữ liệu người dùng vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong phát triển nền kinh tế số hiện nay

Các quy định chế tài về vấn đề này đã được ban hành và đã có hiệu lực, nhưng vì dường như chưa có vụ việc nào được đưa ra xử nghiêm, người tiêu dùng cũng chưa từng khởi kiện vụ nào, cho nên đối tượng phát tán thông tin cá nhân rao bán trên mạng và các doanh nghiệp để lộ lọt thông tin cá nhân khách hàng không sợ, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena nói.

Do đó, tại hội thảo, đại diện IPS khẳng định, nếu không có một khung pháp lý chặt chẽ và một chế tài nghiêm khắc xử phạt vi phạm quyền riêng tư dữ liệu, Việt Nam sẽ khó thực hiện thành công mục tiêu trở thành quốc gia số đi đầu với một nền kinh tế số phát triển bền vững.

Trong buổi hội thảo, các chuyên gia đã cùng thảo luận và đưa ra các khuyến nghị chính sách: thảo luận về việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền hạn, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đề xuất sửa đổi, thống nhất một số quy định của pháp luật về quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo…

Huyền Dung