Sức khỏe

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt

Thứ hai, 23/10/2023 | 16:09 GMT+7
Mới đây, Viện Khoa học Thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học TDTT Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học quốc tế 2023 với chủ đề “Khoa học với phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam”.

Hội nghị thể hiện tầm quan trọng, mức độ quan tâm và vai trò đi đầu của nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm phát triển thể lực, tầm vóc con người, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi, tăng tuổi thọ khỏe mạnh, góp phần nâng cao thành tích thể thao và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng tiếp tục triển khai Đề án 641 về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030. Đề án xác định rõ mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam. Từ đó, chính quyền các cấp nói chung, các nhà khoa học TDTT nói riêng cần có hành động thiết thực, cụ thể hơn nữa nhằm phát triển thể lực, tầm vóc cho thế hệ trẻ.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án "Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam” cho biết, hội nghị với sự tham dự của hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý lĩnh vực TDTT trong nước và quốc tế nên trở thành cơ hội lớn để trao đổi thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Đại diện Viện Khoa học TDTT đã đề xuất với Ban Chỉ đạo Đề án 641 những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tăng cường sự phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong giai đoạn tới. Từ đó, hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ, phục vụ mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người dân ở nước ta.

Quang cảnh hội nghị

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, khách mời tham dự cùng tham gia thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về thúc đẩy việc nâng cao thể lực tầm vóc người Việt Nam, đặc biệt đối với thế hệ trẻ trên các phương diện: giáo dục tại trường học, giải pháp dinh dưỡng, tuyên truyền thay đổi nhận thức, ứng dụng khoa học và công nghệ trong y tế nhằm gia tăng chất lượng khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng… phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; qua đó từng bước nâng cao chất lượng giống nòi, tăng tuổi thọ khỏe mạnh, góp phần nâng cao thành tích thể thao và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Hội nghị cũng góp phần lan tỏa ý nghĩa nhân văn “Cùng chung tay vì một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh” trong cộng đồng. Đặc biệt, trong hội nghị khoa học quốc tế 2023, với xu hướng y học thể thao đang được quan tâm và phát triển, các đại biểu tham dự đã lắng nghe báo cáo “Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trung mô trong hỗ trợ điều trị chấn thương trong thể thao” và thảo luận về tiềm năng điều trị chấn thương thể thao bằng phương pháp tế bào gốc trung mô (MSC) do Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào Mescells - một trong những đơn vị tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép về nghiên cứu công nghệ, liệu pháp tế bào trong y học tái tạo trình bày.

Báo cáo “Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trung mô trong hỗ trợ điều trị chấn thương trong thể thao” do Thạc sĩ Nguyễn Hải Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng Công nghệ tế bào Mescells trình bày đã mang đến cái nhìn tổng quan và mới nhất trong việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc trung mô trên toàn thế giới. Các tiêu chuẩn để có được tế bào gốc trung mô chất lượng và cách thức kết hợp đa dạng của loại tế bào gốc này với các liệu pháp y khoa khác giúp người bệnh có cơ hội phục hồi các tổn thương xương khớp mà trước đây khó điều trị được.

Việc ứng dụng tế bào gốc trung mô trong điều trị có thể giúp người tập luyện thể thao giảm thiểu di chứng của chấn thương, thời gian phục hồi nhanh hơn, sớm quay trở lại chơi thể thao và giữ được phong độ gần mức khả năng trước chấn thương nhất có thể. Phương pháp tiến bộ này được coi là xu hướng mới trong điều trị, phục hồi chấn thương thể thao và ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

Kim Bảo (T/H)