Môi trường (old)

Việt Nam cam kết thực hiện giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản

Thứ ba, 3/11/2015 | 15:43 GMT+7
Ngày 30/10 tại Đà Nẵng, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo đóng góp của Việt Nam cho thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu và thiên tai. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong số rất ít đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.

Những năm qua, Việt Nam ngày càng phải đối mặt với tổn thất và thiệt hại với những mất mát vượt ra ngoài khả năng ứng phó. Các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai ngày càng tăng dần về cường độ và tần suất. Bình quân mỗi năm, Việt Nam có khoảng 500 người chết và mất tích, hàng nghìn người bị thương do thiên tai gây ra. Thiên tai còn làm thiệt hại khoảng 1,5% GDP của đất nước.

Nếu các quốc gia trên thế giới không có động thái tích cực đối với trái đất, thì với xu hướng khí hậu hiện nay, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng từ 2-3 độ C, thời tiết khắc nghiệt hơn, nước biển dâng từ 78-100cm.

Nếu mực nước biển dâng 100cm thì 10% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh; 20% diện tích TPHCM có nguy cơ bị ngập. Còn đối với Đồng bằng sông Cửu Long, nước dâng sẽ xâm chiếm khoảng gần 40% diện tích đồng bằng, ảnh hưởng đến cuộc sống 1/3 dân số và nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng “vựa lúa” lớn nhất Việt Nam.

Trước thực trạng toàn cầu và thực tế tại Việt Nam, cộng đồng quốc tế đã và đang khẩn trương tiến hành các hoạt động đàm phán về BĐKH nhằm xây dựng Thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu dự định sẽ được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) cuối năm nay.

Cùng với các nước, Việt Nam đã xây dựng các đóng góp trong Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) gửi cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH.

Theo đó, Việt Nam cam kết, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính. Trong đó, giảm 20% cường độ phát thải trên một đơn vị GDP và tăng độ che phủ rừng lên 45%. Nếu được hỗ trợ từ quốc tế thì lượng khí này sẽ giảm tới 25%.

Chính phủ Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, trồng rừng.

Các đóng góp INDC của Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực năng lượng (gồm cả giao thông), nông nghiệp (gồm cả sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp) và chất thải. Các đóng góp về thích ứng tập trung vào nông nghiệp, tài nguyên nước, lâm nghiệp ở vùng đồng bằng, ven biển, vùng núi và đô thị.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) nhấn mạnh, INDC trên thể hiện trách nhiệm và nỗ lực cao nhất của Việt Nam trong góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu.

Nguồn: Báo TN&MT