Năng lượng gió

Việt Nam sẽ trở thành thị trường điện gió lớn nhất khu vực

Thứ hai, 29/7/2019 | 08:09 GMT+7
Đó là khẳng định của ông Jerome Pecresse, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GE Renewable Energy (GE) khi nhận định về phát triển năng lượng tái tạo. Đáng chú ý, điện gió sẽ là chìa khóa để giải quyết nhu cầu điện năng ngày càng tăng của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh.

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển năng lượng điện tái tạo của Việt Nam hiện nay? Theo ông, sự phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam có theo kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á?

Hai năm trước đây, năng lượng tái tạo ở Thái Lan phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên con số này hiện đang giảm dần do nguồn tài chính có sẵn thấp và chính sách chưa phù hợp. Nếu so sánh với hai năm trước, tôi nhận thấy Việt Nam đã có một bước tiến đáng kể trong việc phát triển năng lượng mặt trời và gió.

Việt Nam đã lắp được 4 gigawatt điện mặt trời. Con số này lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Về tiềm năng điện gió với lợi thế về đường bờ biển dài cũng như chất lượng gió thì điện gió trên bờ, gần bờ hay ngoài khơi xét về dài hạn đều có nhiều tiềm năng hơn so với những nước trong khu vực.

Có thể nói tiềm năng phát triển điện gió của Việt Nam có thể xem là lớn nhất trong khu vực nhờ vào lợi thế về nguồn nhân lực, nguồn vốn có sẵn cũng như vốn đầu tư từ nước ngoài.

Tôi nghĩ rằng để làm được nhiều hơn nữa, cần tranh thủ hai năm tới trước khi chính sách giá bán điện ưu đãi hết hạn. Chúng ta có thể gặp một số trở ngại về phía quy trình, nhưng nếu các dự án bắt đầu trong vòng 6 tháng tới, Việt Nam sẽ trở thành thị trường điện gió lớn nhất khu vực.

Mặc dù, tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam rất lớn nhưng tại thời điểm này điện tái tạo chỉ chiếm khoảng 10% trong sản lượng điện quốc gia, điện chủ yếu đến từ nhà máy điện than. Tỷ lệ này rất thấp so với các nước khác, ông đánh giá như thế nào, thưa ông?

Từ dữ liệu mà chúng tôi có được, tôi nhận thấy con số này còn nhỏ hơn 10% (không bao gồm thủy điện). Lý do đầu tiên, ngành điện Việt Nam vốn có một nền tảng là các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than, các nhà máy này hiện vẫn đang vận hành và là nguồn cung điện chính.

Thứ hai, việc xây dựng các nhà máy điện gió cũng như quy trình phê duyệt cho các dự án điện gió hiện nay đều cần nhiều thời gian để đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn. Cụ thể, quy trình phê duyệt dự án đang là “nút thắt cổ chai” vì khi dự án được phê duyệt, chúng ta phải mất khoảng 12 - 18 tháng để nhà máy điện gió bắt đầu đi vào vận hành.

Trong khi đó, tốc độ gió của Việt Nam có chất lượng rất tốt, khoảng 6,5 - 7,5m/s. Với tốc độ gió chất lượng và công nghệ tuabin tân tiến, chúng tôi có thể giúp sản xuất điện gió với giá cạnh tranh. Một số nhà đầu tư đang sẵn sàng đổ tiền vào những dự án này, tuy nhiên nút thắt chính của vấn đề ở đây là thời gian phê duyệt. Nếu có thể đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thì con số 10% có thể lên đến 20%.

Trong số 66 dự án điện gió đã đăng ký với Bộ Công Thương, 231 dự án điện mặt trời với gần 90% dự án đi vào vận hành thì GE cung cấp được bao nhiêu thiết bị?

Chúng tôi hiện đang tham gia vào 2 dự án với 50 megawatt cho mỗi dự án, đây là con số khiêm tốn so với thị trường hiện nay. Đối với điện gió là lĩnh vực GE hoạt động tích cực hơn, chúng tôi chiếm khoảng 30% thị phần tại Việt Nam. Phần lớn những dự án khác chưa lựa chọn được nhà cung cấp tuabin.

Chúng tôi đang làm việc với một số dự án. Bên cạnh một số dự án đã lựa chọn GE cung cấp tuabin Cypress thì phần lớn các nhà đầu tư khác vẫn đang trong quá trình lựa chọn. Cũng như những quốc gia khác trên thế giới, chúng tôi đặt ra mục tiêu khoảng 25 - 30% thị phần trong lĩnh vực điện gió tại Việt Nam.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió

GE dường như đang ưu tiên phát triển năng lượng điện gió ở Việt Nam hơn cả, ông có thể lý giải về sự lựa chọn này?

Đầu tiên, trong lịch sử phát triển của ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã tham gia tích cực vào việc phát triển thủy điện. Cụ thể, chúng tôi đã cung cấp tuabin cho các dự án thủy điện ở Sơn La, Lai Châu trong 10 năm qua.

Bên cạnh đó, trên toàn cầu, GE có nhiều hoạt động tích cực trong mảng điện gió hơn là năng lượng mặt trời. Chúng tôi là một trong ba nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu thế giới và chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ lọt vào Top ba nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất tại Việt Nam và cũng hy vọng sẽ là đơn vị dẫn đầu thị trường. Sản xuất năng lượng mặt trời là một mảng kinh doanh nhỏ hơn vì chúng tôi không sản xuất ra các tấm pin mặt trời và cũng không có ý định sản xuất chúng.

Vì vậy, ở Việt Nam, chúng tôi khẳng định một lần nữa, chúng tôi xác định hướng đi là thủy điện và điện gió. Năng lượng mặt trời chỉ là một mảng nhỏ, GE sẽ chỉ làm những điều tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Điện gió có tính kỹ thuật cao hơn và phát triển tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo baocongthuong.vn