Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu

Thứ tư, 6/12/2023 | 15:37 GMT+7
Việt Nam vừa tham gia Cam kết làm mát toàn cầu (Global Cooling Pledge) trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh COP28 diễn ra tại Dubai (UAE).

Cam kết làm mát toàn cầu là sáng kiến do Chủ tịch COP28 đề xuất, với mục tiêu để lĩnh vực làm mát toàn cầu góp phần giảm ít nhất 68% phát thải khí nhà kính vào năm 2050 so với năm 2022, đóng góp thực hiện giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C và phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng toàn cầu bằng “0” đến năm 2050.

Các hoạt động làm mát giúp giảm vấn đề sức khỏe do nắng nóng, đồng thời đóng vai trò thiết yếu trong một số lĩnh vực quan trọng khác như bảo quản, phân phối thực phẩm, vaccine. Tuy nhiên, hoạt động làm mát thông thường như sử dụng điều hòa không khí lại gây phát thải hơn 7% khí nhà kính toàn cầu - là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Nếu không được quản lý, nhu cầu năng lượng để làm mát không gian sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, kéo theo sự gia tăng phát thải khí nhà kính.

Lễ công bố Cam kết làm mát toàn cầu trong khuôn khổ Hội nghị COP28

Phát biểu tại lễ công bố Cam kết làm mát toàn cầu, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) Inger Andersen nhấn mạnh, các quốc gia phải hành động ngay để đảm bảo lĩnh vực làm mát tăng trưởng theo hướng phát thải thấp. Việc triển khai làm mát bền vững sẽ đem lại cơ hội ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, cải thiện cuộc sống của hàng trăm triệu người và tiết kiệm được khoản tài chính khổng lồ.

Tại buổi lễ, đại diện UNEP dự báo, việc cải thiện hiệu quả và tăng cường tiếp cận các giải pháp làm mát bền vững có thể giúp hơn 1 tỷ người thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm 3,5 nghìn tỷ USD chi phí chuyển đổi năng lượng vào năm 2030. Làm mát hiệu quả, bền vững còn giúp các quốc gia xóa đói giảm nghèo, giảm thất thoát lương thực, cải thiện sức khỏe, quản lý nhu cầu năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông John Kerry, Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu cho biết, cam kết sẽ đóng góp tích cực để triển khai bản sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Ông John Kerry mong muốn các quốc gia cùng đề ra lộ trình giảm lượng khí thải liên quan đến làm mát trong tất cả các lĩnh vực; tăng khả năng tiếp cận với hệ thống làm mát bền vững; đồng thời kêu gọi các quốc gia đang đứng ngoài hãy tham gia bản sửa đổi bổ sung Kigali. Đối với các quốc gia đã tham gia, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cam kết, tăng tốc triển khai các hoạt động làm mát theo hướng bền vững.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu cùng với nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng đáng kể trong những năm gần đây, Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Do đó, Việt Nam là 1 trong 63 quốc gia đầu tiên tham gia Cam kết làm mát toàn cầu.

Thực tế cho thấy, làm mát không bền vững sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiên liệu trong vận hành đô thị, làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Ngược lại, thực hiện quản lý hiệu quả lĩnh vực làm mát giúp hạn chế sự rò rỉ các chất gây phát thải khí nhà kính, kết hợp với giải pháp về làm mát bền vững, thân thiện với khí hậu góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí điện năng. Việc thay đổi công nghệ làm mát cũng giúp các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, hộ gia đình của Việt Nam nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu là cơ hội để triển khai những chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước về làm mát bền vững như chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao, sử dụng môi chất lạnh có giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, áp dụng các giải pháp làm mát thụ động, làm mát dựa vào tự nhiên… phù hợp với xu thế chung của thế giới. Điều này góp phần thực hiện các điều ước quốc tế và quy định pháp luật của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone. Mặt khác, nội dung Cam kết làm mát toàn cầu cũng phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022.

Kim Bảo (T/H)