Bản tin môi trường số 6/2019

Thứ hai, 2/12/2019 | 09:47 GMT+7
Việt Nam thải hơn 2,2 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ xử lý một nửa, Hà Nội tiếp tục chất lượng không khí ở mức xấu, Ngân hàng Thế giới dành 210 triệu USD hỗ trợ cho 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Trà Vinh thực hiện Dự án Phát triển đô thị và thích ứng biến đổi khí hậu khu vực Mê Kông... là những tin tức môi trường nổi bật tuần qua.

Việt Nam thải hơn 2,2 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ xử lý một nửa

Ngày 25/11, Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam 2019, nhằm hướng tới mục tiêu bền vững trong kinh doanh cũng như giảm tải rác thải bao bì.

Tại diễn đàn, ông Phạm Hoàng Hải, Chuyên gia độc lập, VCCI cho hay: “Nhựa trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Trung bình trong một năm toàn thế giới sản xuất 8,3 tỉ tấn nhựa, tính từ năm 1950 đến nay”. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường đang phải gánh chịu hơn 8 tỉ tấn rác thải nhựa, con số này sẽ tiếp tục được gia tăng mỗi năm.

Với lượng nhựa thải ra đại dương chiếm 6% toàn cầu, Việt Nam là quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới. Ước tính người Việt thải gần 540.000 tấn rác thải mỗi tháng, trong đó mỗi người xả ra khoảng 3,5kg rác thải nhựa và sẽ tăng thêm 30% đến năm 2030.

Tuy nhiên, ông Edwin Seah, Thư ký Hiệp hội Lương thực thực phẩm châu Á cho biết, Việt Nam thải ra 2,2 triệu tấn rác thải nhựa trong năm 2017 nhưng chỉ một nửa trong số chúng được thu gom và xử lý. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có nhiều sáng kiến, chính sách mới hơn nữa để khuyến khích người dân thu thập, phân loại, sử dụng nguyên liệu thay thế và tái sử dụng rác thải nhựa.

Triển lãm quốc tế về ngành nhựa và cao su

Ngày 27/11, Triển lãm quốc tế lần thứ 8 về công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam chính thức diễn ra tại Trung tâm Triển lãm quốc tế (I.C.E Hanoi) số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo Ban tổ chức, Triển lãm có sự tham dự của 200 đơn vị uy tín đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sự kiện quy tụ sự tham gia của 6 nhóm gian hàng quốc tế đến từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Qatar, Áo và Ý – được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều sản phẩm công nghệ và thiết bị máy móc, linh kiện, nguyên phụ liệu… phục vụ cho sản xuất và chế biến nhựa – cao su Việt Nam.

Ở những quốc gia phát triển trên thế giới, công nghệ tái chế nhựa được chú trọng đầu tư và tỷ lệ rác thải nhựa gần như đạt mức tối đa. Cụ thể, Na Uy là quốc gia đi đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa hiện nay. Theo báo cáo của Tổ chức tái chế nhựa Infinitum, Na Uy có khả năng tái chế 97% chai nhựa, trong đó có đến 92% sản phẩm nhựa tái chế có thể quay lại vòng đời là nhựa chất lượng cao. Bên cạnh đó, các quốc gia khác cũng đứng đầu trong danh sách các nước có tỷ lệ tái chế cao như: Thụy Điển (97-99%), Đức (65-86%), Bỉ (80-84%)…

Trong khi đó, Việt Nam mỗi năm tạo ra hơn 81 triệu tấn nhựa, tính riêng TP.HCM và Hà Nội khoảng 80 tấn chất thải nhựa và nilon thải ra môi trường mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ 27% túi nhựa được thu gom và tái chế đúng cách.

210 triệu USD giúp 3 tỉnh khu vực sông Mê Kông ứng phó với biến đổi khí hậu

Với tổng vốn khoảng 210 triệu USD, Ngân hàng Thế giới dành cho 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Trà Vinh thực hiện Dự án Phát triển đô thị và thích ứng biến đổi khí hậu khu vực Mê Kông.

Với tổng vốn khoảng 210 triệu USD dành cho 3 tỉnh thành sẽ định hình một phần phát triển đô thị trong tương lai. Cho nên WB mong rằng, các tỉnh nằm trong dự án cần xem xét thật kỹ lưỡng những đề xuất, những phương án được xây dựng, vì mỗi công việc chúng ta làm trong khu vực đô thị về phát triển đô thị và đô thị hóa hôm nay không nên vội vàng mà phải được định hình từ quy hoạch để phát triển trong tương lai. Bởi vì nếu định hướng sai trong việc làm này thì phải trả giá đến hàng trăm năm.

Dự án Phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu khu vực Mê Kông bao gồm các hợp phần: Cải thiện môi trường và chống ngập úng; Phát triển hành lang kết nối đô thị; Tái định cư; Tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu...

Hà Nội nhiều ngày chất lượng không khí ở mức kém

Theo Tổng cục Môi trường, từ ngày 22/11 đến 29/11, chất lượng không khí tại một số đô thị lớn có sự khác biệt rất rõ. Hà Nội có mức độ ô nhiễm cao nhất, sau đó đến các thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Hạ Long (Quảng Ninh), TPHCM.

Tổng cục Môi trường cho biết, trong số các đô thị, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại Hà Nội có cao nhất, có đến 6/7 ngày giá trị này vượt quá giới hạn so với tiêu chuẩn cho phép. Chỉ trong ngày 28/11 thông số PM2.5 giảm và nằm trong giới hạn cho phép.

Kết quả tính toán chỉ số AQI tại các trạm cho thấy, vào các ngày 22/11 đến 27/11 chất lượng không khí chủ yếu ở mức Kém (101 – 150) và đã chạm đến ngưỡng Xấu (151-200).

Kết quả quan trắc trong những năm trước cũng cho thấy khu vực miền Bắc giai đoạn giữa mùa đông là thời kỳ chất lượng không khí thấp nhất trong cả năm. Vì vậy, người dân cần theo dõi các thông tin về chất lượng không khí để có những ứng phó phó phù hợp.

Trong những ngày chất lượng không khí ở mức kém và xấu thì hạn chế các hoạt động ngoài trời, luôn đeo khẩu trang chống được bụi mịn và hạn chế mở cửa nhà.

 

Huyền Châu (t/h)