Mục tiêu hạn chế nhiệt độ trái đất ấm lên có thể sẽ nằm ngoài tầm với

Thứ hai, 2/12/2019 | 09:00 GMT+7
Theo báo cáo mới được công bố của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nếu phát thải khí nhà kính toàn cầu không giảm 7,6% mỗi năm trong giai đoạn từ 2020 đến 2030, thì mục tiêu hạn chế nhiệt độ trái đất ấm lên ở mức dưới 2°C theo Thỏa thuận Paris sẽ không thể thực hiện được.

Báo cáo Khoảng cách Phát thải thường niên của UNEP cho biết, kể cả khi tất cả các cam kết theo Thỏa thuận Paris được thực hiện thì nhiệt độ trái đất dự kiến vẫn sẽ tăng thêm 3,2°C. 78% lượng khí nhà kính là do các quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) phát thải, nhưng có tới 15 nước trong đó không cam kết thời hạn giảm lượng khí thải CO2 về bằng 0.

Do đó, để giảm bớt những tác động mạnh mẽ đang ngày càng lan rộng của biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu 1,5°C, các quốc gia cần phải cắt giảm lượng khí thải gấp 5 lần so với hiện tại trong thập kỷ tới.

“Chúng ta cần nhanh chóng giảm phát thải càng nhiều càng tốt vào năm 2020, sau đó cần phải thêm vào nhiều cam kết mạnh mẽ hơn trong báo cáo Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) để dần có những chuyển đổi cơ bản về kinh tế và xã hội. Chúng ta cần phải đẩy nhanh hành động để bù lấp cho những năm còn chần chừ trước đó”, bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP khẳng định. “Nếu chúng ta không thực hiện điều này, mục tiêu 1,5°C trước 2030 sẽ nằm ngoài tầm với”.

(Ảnh minh họa)

Báo cáo cũng chỉ ra rằng lượng khí nhà kính đã tăng 1,5% mỗi năm kể từ thập kỷ trước. Ước tính, lượng phát thải năm 2018, bao gồm những thay đổi trong sử dụng đất như phá rừng, đã đạt ngưỡng 55,3 gigaton CO2.

Trong khi đó, các đề xuất được đưa ra trong NDC phải tăng hiệu quả ít nhất 5 lần để thực hiện mục tiêu 1,5°C và 3 lần cho 2°C. Cụ thể, để hạn chế sự tăng nhiệt độ và lượng phát thải khí nhà kính hàng năm ở mức 2°C thì các quốc gia phải giảm 15 gigaton lượng khí thải CO2, và hơn 32 gigaton cho mục tiêu 1,5°C. Điều này có nghĩa là cần cắt giảm 7,6% lượng phát thải mỗi năm kể từ năm 2020 đến năm 2030 để đáp ứng mục tiêu 1,5°C và 2,7% cho mục tiêu 2°C.

Trong ngắn hạn, các nước phát triển sẽ phải giảm phát thải nhanh hơn các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia đều cần phải có những hành động cụ thể hơn để đạt được mục tiêu chung của toàn nhân loại. Các nước đang phát triển có thể học hỏi những thành công của các nước phát triển, thậm chí có thể vượt lên nếu áp dụng thành công các công nghệ mới với tốc độ nhanh hơn.

Đặc biệt, Chính phủ các quốc gia phải nâng cao mục tiêu trong NDC, như những cam kết trong Thoả thuận Paris, những chính sách và chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu. 

“Các quốc gia không thể đợi đến khi các cam kết có hiệu lực vào cuối năm 2020 thì mới đẩy mạnh hành động. Mọi thành phố, khu vực, doanh nghiệp và cá nhân cần phải hành động ngay bây giờ”, bà Inger Andersen nhận định.
 

Thanh Bảo