Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 26/2020

Thứ hai, 6/7/2020 | 09:15 GMT+7
Các tổ chức từ thiện toàn cầu lên kế hoạch huy động hơn 2,5 tỷ USD vốn đầu tư năng lượng sạch phục vụ cho phục hồi kinh tế hậu COVID tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Huy động 2,5 tỷ USD đầu tư cho năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á

Một số tổ chức từ thiện toàn cầu lớn trong tuần này lần đầu tiên công bố sáng kiến tài trợ từ thiện có rủi ro cao của họ nhằm mục đích thu hút hơn 2,5 tỷ USD đầu tư tư nhân cho các dự án năng lượng sạch ở Đông Nam Á.

Khi các nhà đầu tư truyền thống còn do dự do đại dịch COVID -19, sự can thiệp kịp thời này sẽ cung cấp nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn đầu có rủi ro cao, nhằm thúc đẩy việc thực hiện các dự án năng lượng sạch mới.

Tập trung ban đầu vào Việt Nam, Indonesia và Philippines và được quản lý bởi công ty quản lý quỹ Clime Capital có trụ sở tại Singapore, Quỹ năng lượng sạch Đông Nam Á (SEACEF) được hỗ trợ bởi các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu quốc tế bao gồm Sea Change Foundation International, Wellspring Climate Initiative, High Tide Foundation, Grantham Foundation, Bloomberg Philanthropies, Packard Foundation và Children’s Investment Fund Foundation (CIFF).

Các tổ chức từ thiện toàn cầu lên kế hoạch huy động hơn 2,5 tỷ USD vốn đầu tư năng lượng sạch tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam

Ông Imraan Mohammed, Trưởng phòng Đầu tư Tác động tại CIFF cho biết: “Quỹ mới này ra mắt vào thời điểm quan trọng khi cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến cho các nguồn tài chính truyền thống bị thu hẹp lại. Mục đích của quỹ là nhằm giúp bẻ cong đường cong của biến đổi khí hậu. Các nhà đầu tư và các tổ chức đầu tư tác động đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách đó và huy động các nguồn tài trợ khác, đảm bảo quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở Đông Nam Á tiếp tục tăng tốc”.

Ông Mason Wallick, Giám đốc điều hành công ty quản lý quỹ Clime Capital chia sẻ: “Ngay cả trong thời kỳ ổn định cũng rất khó để huy động 1 - 2% nguồn vốn để phát triển các dự án năng lượng sạch vì đây là khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro cao nhất. Tuy nhiên, cơ hội cho đầu tư năng lượng tái tạo vẫn còn khá lớn, do đó nguồn vốn đầu tư rủi ro cao này có vai trò rất quan trọng trong thời điểm còn nhiều biến động như hiện nay, có thể giúp huy động nguồn tài trợ đáng kể cần thiết để biến các đề xuất thành các dự án năng lượng sạch lớn”.

Theo Bloomberg New Energy Finance, điện mặt trời (tấm pin quang điện mặt trời) và điện gió trên bờ hiện là nguồn rẻ nhất trong số các nguồn phát điện mới xây dựng cho ít nhất hai phần ba dân số toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều dự án khả thi có tiềm năng tại Việt Nam, Indonesia, Philippines và các nước khác ở Đông Nam Á sẽ không được xây dựng nếu không có khoản tài trợ giai đoạn đầu như vậy vì hầu hết các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này không sẵn sàng tham gia cho đến các khi các rủi ro phát triển giai đoạn đầu được giảm nhẹ.

SEACEF muốn thu hẹp lại khoảng cách đó. Tài trợ giai đoạn đầu của SEACEF sẽ nhắm vào các công nghệ, mô hình kinh doanh đã được chứng minh trên toàn cầu như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và lưu trữ năng lượng, cộng với các mô hình kinh doanh khác giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi sang carbon thấp - chẳng hạn như các phương tiện giao thông chạy bằng điện, công nghệ quản lý phía cầu, hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà, cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng sạch.

Các tổ chức từ thiện toàn cầu bảo trợ cho SEACEF đã đầu tư 10 triệu USD ban đầu vào quỹ và hiện đang tìm cách thu hút tới 40 triệu USD vốn bổ sung. Dự kiến mỗi USD tài trợ loại hình đầu tư mạo hiểm có rủi ro cao do SEACEF triển khai này sẽ giúp khơi dòng vốn đầu tư tiếp theo vào các dự án đầu tư năng lượng sạch trên khắp Đông Nam Á lên cao gấp 50 lần - đạt hơn 2,5 tỷ USD tài sản, đồng thời giúp nuôi dưỡng hệ sinh thái địa phương của các nhà phát triển để phát triển thị trường.

Nghiệm thu hoàn thành Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 1 trong tháng 7

Theo đại diện Ban Quản lý dự án Điện 3, dự kiến, Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 (tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) sẽ được nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công trình từ ngày 25/7 -  31/7/2020.

Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Điện 3. Dự án có công suất 50MWp, sử dụng công nghệ tấm pin quang điện đa tinh thể, Inverter loại trung tâm.

Trong dự án này, EVN đầu tư xây dựng trạm biến áp 22/220kV Phước Thái, công suất 2x125MVA. Trong giai đoạn đầu tư Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 1, lắp trước 1 máy biến áp 125MVA và các hệ thống thiết bị đồng bộ. 

Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 1 đã đóng điện được 6/9 vùng pin

Cùng với đó là đường dây 2 mạch 220kV chiều dài 2,3km, trước mắt đấu nối chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây mạch kép 220kV Vĩnh Tân – Tháp Chàm (hiện tại là đường dây BIM – Tháp Chàm) hiện có. Ngoài ra còn có các hạng mục công trình phục vụ thi công, hạng mục đồng bộ và hệ thống điều khiển, giám sát từ xa, trạm quan trắc…

Theo ông Trần Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 3, tính đến nay, dự án đã thi công đạt trên 95% tiến độ toàn bộ công trình. Trong đó các hạng mục đã hoàn thành và đóng điện an toàn gồm: trạm biến áp 220kV, đường dây đấu nối 220kV và đường dây cấp điện thi công 22kV. Nhà máy đã đóng và phát điện thử nghiệm 6/9 vùng pin (vùng 3, 5, 6 và 7, 8, 9), đóng góp cho hệ thống điện quốc gia 219.000 kWh điện, đồng thời chuẩn bị phát điện thử nghiệm 3 vùng còn lại (vùng 1, 2 và 4).

Ban Quản lý dự án Điện 3 sẽ đôn đốc nhà thầu EPC tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu thử nghiệm COD (ngày vận hành thương mại) từ ngày 5/7 - 24/7/2020;  nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công trình từ ngày 25/7 - 31/7/2020.

61 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Năng lượng bền vững 2019

Lễ trao “Giải thưởng Năng lượng bền vững” năm 2019 do Bộ Công Thương giao Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững phối hợp với Hội khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức mới đây đã diễn ra tại Hà Nội.

Chương trình “Giải thưởng Năng lượng bền vững” năm 2019 do Bộ Công Thương tổ chức là hoạt động truyền thông trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để ghi nhận, tôn vinh những danh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực cung cấp, chế biến năng lượng và sản xuất các thiết bị, sản phẩm tiết kiệm năng lượng thân thiện môi trường.

Ngoài mục tiêu thúc đẩy và khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chương trình còn tạo hiệu ứng về mặt xã hội, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trên phạm vị toàn quốc đối với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18 tháng 3 năm 2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm. 

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên nhanh chóng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021 - 2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 - 2030).

Lãnh đạo Bộ Công Thương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cùng trao giải thưởng cho những doanh nghiệp đạt tiêu chí năng lượng bền vững năm 2019

Nếu tổng công suất đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 54.000 MW (bao gồm cả năng lượng tái tạo) thì đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 96.500 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030. Thứ trưởng cho rằng, đây là một thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.

Trong bối cảnh hiện nay khi từ năm 2016, nước ta đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nước nhập siêu về năng lượng và sẽ ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu; Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương tạm dừng các dự án điện hạt nhân; tiềm năng, trữ dầu và khí đốt sẽ sớm suy giảm thì việc đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy các hoạt động, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là những giải pháp mang tính chiến lược, cần được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện trong ngay thời gian trước mắt.

Các chương trình, hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn năng lượng của quốc gia, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giúp thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Tôi rất vui mừng khi thấy giải thưởng đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ điện lực, dầu khí, than, năng lượng tái tạo và các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng trên khắp mọi miền của đất nước”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.

Theo đó, 50 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Năng lượng bền vững 2019 đã được vinh danh tại buổi lễ trao giải. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao giấy chứng nhận cho 11 doanh nghiệp trẻ đáp ứng các tiêu chí về năng lượng bền vững. Đây chính là các doanh nghiệp có nhiều dự án sáng tạo, đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, có tri thức, quản lý, kỹ năng kinh doanh mới, nắm bắt những xu thế mới, cơ hội mới của nền tri thức toàn cầu.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng hy vọng trong các năm tiếp theo, giải thưởng sẽ thu hút nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tham gia, nâng cao hơn nữa chất lượng các hồ sơ dự thi và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa những thông điệp về tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.

PV