Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 25/2020

Thứ hai, 29/6/2020 | 09:05 GMT+7
Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group) mới đây đã khánh thành dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận).

Khánh thành Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh tại Ninh Thuận

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng với công suất 45MW. Trước đó, tối 10/6, Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh chính thức hòa lưới điện quốc gia. Dự kiến, sản lượng điện đạt khoảng 75 triệu kWh/năm.

Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh sử dụng các tấm pin quang điện, hệ thống Inverter chuỗi cho hiệu suất cao (98%) do liên danh Sharp - NSN cung cấp. Đây là sản phẩm được nhiều dự án năng lượng mặt trời trong nước tin dùng bởi chất lượng tốt, bền bỉ trong điều kiện khắc nghiệt và thân thiện với môi trường. 

Dự kiến, Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh có sản lượng điện đạt khoảng 75 triệu kWh/năm

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu, sự kiện khánh thành Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh không chỉ là dấu mốc quan trọng đối với Tập đoàn T&T Group và Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận mà dự án sẽ còn có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 

“Dự án cũng sẽ góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”, ông Phạm Văn Hậu khẳng định.

Được biết, T&T Group là một trong những doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong việc thực hiện các dự án năng lượng sạch như: Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh; dự án điện khí LNG Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu); dự án Trung tâm điện khí LNG tại Hải Lăng (Quảng Trị); nhà máy xử lý rác thải đốt rác phát điện sinh hoạt Xuân Sơn (Hà Nội) với công suất một nghìn tấn/ngày, đêm...

Phổ biến chính sách điện mặt trời mái nhà cho khách hàng tại TPHCM

Công ty Điện lực Sài Gòn đã ký kết hợp đồng mua bán điện với các khách hàng đã lắp đặt ĐMTMN

Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) vừa tổ chức Hội thảo phổ biến chính sách ĐMTMN và ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng đã lắp đặt ĐMTMN từ ngày 1/7/2019 đến nay.

Tại hội thảo, EVNHCMC và các đơn vị liên quan đã cung cấp cho khách hàng thông tin những chính sách mới về phát triển điện mặt trời; thảo luận, giới thiệu các giải pháp kỹ thuật, đầu tư, tài chính cho ĐMTMN… Đồng thời, hướng dẫn phương thức ký hợp đồng điện với trường hợp chủ đầu tư là chủ sở hữu mái nhà hoặc chủ đầu tư thuê, mượn mái nhà của khách hàng sử dụng điện để lắp đặt hệ thống ĐMTMN và bán toàn bộ sản lượng.

Tính đến hết tháng 5/2020, TPHCM có 7.341 công trình ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt 94,49 MWp. Lượng điện năng phát lên lưới từ năm 2017 đến nay là 33,33 triệu kWh (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng) trong đó có 102 dự án ĐMTMN có công suất từ 100kWp đến 1.000kWp đã đấu nối vào lưới điện TP với tổng công suất là 37,23 MWp.

Theo Công ty Điện lực Sài Gòn (đơn vị thuộc EVNHCMC), đến nay, quận 1 và quận 3 có 300 khách hàng lắp đặt, sử dụng ĐMTMN với công suất là 2.904,40 kWp, đã phát điện lên lưới điện lực 787.528 kWh, tương đương số tiền hơn 1,54 tỉ đồng.

Cụ thể, số khách hàng lắp đặt từ ngày 30/6/2019 trở về trước: 125 khách hàng với công suất 1.438,16 kWp, đã phát lên lưới điện 314.148 kWh (tương đương số tiền hơn 673 triệu đồng) và Công ty Điện lực Sài Gòn đã thanh toán tất cả số tiền trên.

Số khách hàng lắp đặt từ ngày 1/7/2019 đến nay: 175 khách hàng với công suất 1.502,24 kWp, Công ty Điện lực Sài Gòn đã chốt sản lượng điện năng phát lên lưới là 473.380 kWh (tương đương số tiền hơn 863 triệu đồng).

Tại hội thảo, Công ty Điện lực Sài Gòn đã ký kết hợp đồng mua bán điện với các khách hàng đã lắp đặt ĐMTMN từ ngày ngày 1/7/2019 đến nay; đồng thời sẽ thực hiện thanh toán cho khách hàng và người dân đối với phần sản lượng từ tháng 5/2020 trở về trước. Cụ thể, khách hàng là hộ dân và đúng chủ thể hợp đồng sẽ được Công ty Điện lực Sài Gòn thanh toán trước ngày 1/7/2020. Khách hàng là doanh nghiệp (phải xuất hóa đơn): sẽ thanh toán sau khi Công ty Điện lực Sài Gòn nhận được hóa đơn của khách hàng (dự kiến trước ngày 15/7/2020). Đối với phần sản lượng từ tháng 6/2020 trở đi: thanh toán định kỳ hàng tháng theo đúng thời gian thỏa thuận tại hợp đồng đã ký.

PC Khánh Hòa: Nhiều giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà

Thời gian qua, PC Khánh Hòa (đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung) đã chủ động phối hợp với các đơn vị lắp đặt điện mặt trời để phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

Tỉnh Khánh Hòa là địa phương có bức xạ nhiệt thuộc nhóm cao trong cả nước, tiềm năng phát triển ĐMTMN rất lớn, trung bình trên 5 kWh/m2/ngày. Là đơn vị cung cấp điện năng trên địa bàn tỉnh, PC Khánh Hòa đã chủ động phối hợp với các đơn vị lắp đặt điện mặt trời để phát triển ĐMTMN, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển điện mặt trời.

Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, PC Khánh Hòa đã triển khai nhiều nội dung công việc để đẩy mạnh phát triển ĐMTMN trong đó có việc tìm các đối tác có uy tín để đồng hành cùng công ty tư vấn, cung cấp giải pháp kỹ thuật, cung cấp vật tư thiết bị, cung cấp các gói tài chính, hướng dẫn và lắp đặt ĐMTMN cho khách hàng của công ty.

Theo đó, mới đây, PC Khánh Hòa đã ký kết hợp tác về việc quảng bá và phát triển ĐMTMN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cùng Công ty CP đầu tư và phát triển Năng lượng mặt trời Bách khoa (SolarBK). 

Việc hợp tác giữa PC Khánh Hòa và SolarBK nhằm mục đích tiếp cận sâu rộng hơn đối với các nhóm đối tượng tiềm năng để phát triển ĐMTMN; đẩy mạnh tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện và giảm tải cho lưới điện thông qua sử dụng điện mặt trời… Đặc biệt, chương trình cũng hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí CO2 ra môi trường.

Chương trình hợp tác sẽ tạo ra được một gói giải pháp tổng thể về lắp đặt ĐMTMN từ thiết bị, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng… cho đến hỗ trợ về tài chính, bán điện cho ngành điện... tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng khi đăng ký lắp đặt ĐMTMN.

Hệ thống ĐMTMN tại tòa nhà PC Khánh Hòa

Trong thời gian qua, PC Khánh Hòa đã phối hợp cùng SolarBK tận dụng các mái nhà của trụ sở làm việc, các trạm biến áp 110kV thuộc phạm vi quản lý của công ty để lắp đặt được 21 hệ thống ĐMTMN với công suất 754,15 kWp theo mô hình ESCO. Đây là mô hình kinh doanh do SolarBK làm chủ đầu tư đầu tư và triển khai thực hiện; PC Khánh Hòa sử dụng hệ thống ĐMTMN được SolarBK đầu tư và sẽ thanh toán phí dịch vụ từ hệ thống này. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện từ hệ thống ĐMTMN trên các mái nhà của PC Khánh Hòa là 382.196 kWh.

Do đó, PC Khánh Hòa đang đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất về chủ trương tận dụng mái nhà của các công sở, trường học, bệnh viện để phát triển ĐMTMN; đồng thời đơn vị cũng tích cực tìm kiếm các khách hàng, cơ sở sản xuất đang có mái nhà trống để giới thiệu cho các đối tác phát triển ĐMTMN.

Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng giám đốc PC Khánh Hòa Nguyễn Cao Ký cho biết: "PC Khánh Hòa luôn quán triệt chủ trương phát triển ĐMTMN của Chính phủ. Khánh Hòa có bức xạ năng lượng mặt trời cao nên rất thuận lợi cho việc triển khai năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Điều này đã giúp cho công tác quản lý vận hành lưới điện của PC Khánh Hòa đạt hiệu quả cao hơn thông qua giảm tổn thất điện năng và giúp phân tán nguồn cấp điện, hỗ trợ kịp thời cho công tác xử lý sự cố, khôi phục cấp điện. Đây cũng là một trong những ưu điểm của hệ thống điện phân tán sử dụng nguồn ĐMTMN”.

PV