Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 24/2020

Thứ hai, 22/6/2020 | 09:02 GMT+7
Báo cáo Tình hình năng lượng tái tạo toàn cầu năm 2020 (GSR) của REN21 vừa công bố cho thấy phát triển năng lượng tái tạo chỉ mới giới hạn trong ngành điện. Do đó, chúng ta vẫn cần chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng hiệu quả và dựa trên nhiên liệu tái tạo trên toàn cầu.

Chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng hiệu quả, dựa trên nhiên liệu tái tạo

Theo báo cáo của REN21, trong vòng 5 năm qua, ngành năng lượng tái tạo đã có những bước phát triển hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, ở các lĩnh vực vận tải, sưởi ấm và làm mát, tăng trưởng của năng lượng tái tạo lại chững lại. 

“Năm nào cũng vậy, chúng ta luôn ghi nhận những thành công tiếp nối thành công trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Quả thực, năng lượng tái tạo đã đạt được tiến bộ tuyệt vời. Nó đánh bại tất cả các loại nhiên liệu khác về mặt tăng trưởng và khả năng cạnh tranh”, bà Rana Adib, Giám đốc điều hành của REN21 nói.

Báo cáo cũng chỉ ra: tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tiếp tục tăng (1,4% mỗi năm từ 2013 đến 2018). Mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong sản xuất năng lượng tái tạo, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng hầu như không tăng (9,6% năm 2013 lên 11% vào năm 2018). So với ngành điện, ngành sưởi ấm, làm mát và vận tải tụt lại rất xa (tỷ lệ năng lượng tái tạo trong ngành điện là 26%, sưởi ấm và làm mát là 10%, vận tải là 3%).

Những bước tiến hiện nay phần lớn là kết quả của các chính sách và quy định khởi xướng từ nhiều năm trước và tập trung vào ngành điện. Các rào cản chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực sưởi ấm, làm mát và vận tải vẫn gần như còn nguyên sau một thập kỷ. Cần có các chính sách thích đáng để tạo ra điều kiện thị trường phù hợp.

Theo REN21, trong vòng 5 năm qua, ngành năng lượng tái tạo đã có những bước phát triển hết sức ấn tượng

Báo cáo cũng chỉ ra, ngành năng lượng tái tạo sử dụng khoảng 11 triệu lao động trên toàn thế giới vào năm 2018. Năm 2019, khu vực tư nhân đã ký các thỏa thuận mua bán điện (PPA) tạo mức tăng trưởng kỷ lục hơn 43% từ năm 2018 đến 2019 cho công suất điện tái tạo mới.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế đặc biệt do COVID-19, báo cáo chỉ ra rằng các biện pháp phục hồi “xanh” như đầu tư vào năng lượng tái tạo và vào hiệu suất năng lượng của các tòa nhà, tiết kiệm chi phí tốt hơn các biện pháp kích thích kinh tế truyền thống và cũng mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Báo cáo cũng ghi nhận năng lượng tái tạo cung cấp cơ hội việc làm, quyền tự quyết năng lượng, tăng tốc quá trình tiếp cận năng lượng ở các nước đang phát triển, giảm khí thải và ô nhiễm không khí.

“Rõ ràng, năng lượng tái tạo đã trở thành xu thế chủ đạo và thật tuyệt vời khi được chứng kiến thành quả đó. Nhưng chúng ta không nên lầm tưởng rằng tiến bộ trong một lĩnh vực này nghĩa là năng lượng tái tạo đã đảm bảo một thành công chắc chắn. Chính phủ các nước cần hành động mạnh mẽ hơn, không chỉ dừng ở gói phục hồi kinh tế. Họ cũng cần tạo ra các quy tắc và môi trường phù hợp để chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng hiệu quả và dựa trên nhiên liệu tái tạo. Thực hiện trên toàn cầu. Ngay bây giờ", Arthouros Zervos, Chủ tịch của REN21 kết luận.

REN21 là cộng đồng toàn cầu của các tác nhân năng lượng tái tạo từ giới khoa học, học viện, chính phủ, tổ chức phi chính phủ và ngành công nghiệp trên tất cả các lĩnh vực năng lượng tái tạo. Bản báo cáo GSR 2020 có hơn 350 chuyên gia đồng tác giả.

Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức

Tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) vừa tổ chức Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức”.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: chủ đề Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức” rất phù hợp với giai đoạn Việt Nam hiện nay. Bởi năng lượng có vị trí đặc biệt quan trọng, tác động không nhỏ đến quá trình bền vững và phát triển toàn cầu.

Hiện ngành năng lượng Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho năng lượng sản xuất kinh doanh, đời sống, đóng góp an ninh quốc phòng. Nhu cầu năng lượng sơ cấp trong 10 năm qua, năm 2007 - 2017, tăng trưởng 14,6%, riêng sản lượng điện thực phẩm tăng trưởng bình quân 9,5%. Dự báo trong giai đoạn 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng 8,5 - 9,5%. Với nhu cầu điện thương phẩm như trên, dự kiến công suất điện 13.000 - 14.000 MW; đến nay, mới có 6.000 MW/năm. Từ nay năm 2030, mỗi năm cần công suất suất 5.000 - 7.000 MW/năm.

“Đây là nhiệm vụ thách thức đặc biệt trong bối cảnh Quy hoạch điện VII được điều chỉnh. Mặc dù Quy hoạch này được điều chỉnh từ năm 2016 nhưng trước nhu cầu bảo vệ môi trường, đã phải trì hoãn hoặc không được xây dựng hoặc chậm tiến độ. Trong bối cảnh đó, đáp ứng nhu cầu năng lượng, thoài gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương có điều chỉnh cần thiết như đẩy mạnh nhanh hơn dạng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió. Với sự tham mưu của Bộ Công Thương, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy mạnh hơn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

Tuy nhiên khi phát triển mạnh năng lượng tái tạo cũng phải đối mặt thách thức lớn. Bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức, làm sao phát triển nhanh và mạnh, trong khi đó phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.

Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức. (Ảnh minh họa)

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năng lượng tái tạo hiện nay còn phát triển nóng và tập trung ở một số địa phương nên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải tỏa công suất cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện. Đặc biệt, hiện nay, chúng ta đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái. Đây là vấn đề cần được quan tâm vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới. “EVN đang phối hợp với GIZ nghiên cứu thiết lập một hệ thống kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái và trình Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt ban hành”, ông Võ Quang Lâm chia sẻ. 

Theo ông Lâm, EVN đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện website solar.evn.vn để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu và tiếp cận với mọi thông tin liên quan về điện mặt trời áp mái trên các ứng dụng công nghệ thông tin cũng như các website chăm sóc khách hàng ngành điện.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng cần đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến khích nghiên cứu phát triển nhập khẩu các thiết bị công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng và tiến tới loại bỏ công nghệ lạc hậu, có hiệu suất thấp. Đồng thời, chúng ta phải tiến tới làm chủ trong sản xuất, vận hành các nhà máy, các thiết bị đồng bộ cho lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, doanh nghiệp để triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ như Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng (mã số KC.05/15-20); chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai (mã số KC,08/16-20). Với những chương trình cấp Nhà nước như trên, chúng ta sẽ triển khai nghiên cứu các nội hàm trong việc phát triển bền vững năng lượng điện quốc gia.

Kết luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, những đề xuất, kiến nghị được nêu tại diễn đàn cũng là những vấn đề sẽ được Bộ Công Thương nghiên cứu và sớm đề xuất, tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vừa đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Vấn đề phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của khu vực và thế giới. Theo đó, thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong bối cảnh diễn ra mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu các chuỗi sản xuất cung ứng trên thế giới sau đại dịch Covid-19. 

“Để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng, hài hòa lợi ích của các bên, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, bài học kinh nghiệm trong nước cũng như quốc tế và hợp tác cùng hành động tháo gỡ khó khăn, hóa giải điểm nghẽn cho phát triển", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Vận hành đường dây 100kV từ NMĐMT Mũi Né đến TBA 100kV Nũi Né

Để tạo mạch vòng liên kết giữa các trạm 110kV, đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải và tăng độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực, truyền tải kịp thời công suất từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo đang đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã quyết định đầu tư xây dựng công trình đường dây 110kV Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né.

Trạm 110kV Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né

Theo thỏa thuận đấu nối, nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) Hồng Phong 4 và NMĐMT Mũi Né sẽ đấu nối vào đường dây 110kV Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né. Vừa qua, đoạn đường dây 110kV từ TBA 110kV Lương Sơn đến NMĐMT Mũi Né đã được đóng điện nghiệm thu đưa vào vận hành, kịp thời đấu nối và phát công suất cho 2 NMĐMT Hồng Phong 4 và Mũi Né trước 30/6/2019 theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ngày 10/6, đoạn đường dây 110kV còn lại từ NMĐMT Mũi Né đến TBA 110kV Mũi Né đã được đóng điện thành công. Việc đưa vào vận hành đường dây này góp phần quan trọng trong việc kết lưới, tạo mạch vòng TBA 110kV Lương Sơn - NMĐMT Hồng Phong 4 - NMĐMT Mũi Né - TBA 110kV Mũi Né - TBA 220kV Phan Thiết 2, tạo thuận lợi trong việc phát công suất điện của 2 NMĐMT Hồng Phong 4 và Mũi Né lên hệ thống điện quốc gia theo 2 hướng Lương Sơn và Mũi Né.

Công trình có tổng mức đầu tư gần 96,77 tỷ được khởi công từ 11/7/2017. Đến nay công trình được hoàn thành, góp phần giảm áp lực đầu tư nguồn điện và đáp ung nhu cầu phụ tải điện miền Nam, tăng công suất, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội điện phương cũng như các tỉnh lân cận.

PV