Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 23/2020

Thứ hai, 15/6/2020 | 08:53 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo về việc bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực tại công văn số 693/TTg-CN ngày 9/6/2020 gửi Bộ Công Thương.

Thủ tướng đồng ý bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực

Theo đó, xét báo cáo và đề nghị của Bộ Công Thương tại các công văn số 1931/BCT-ĐL ngày 19/3/2020 và số 3299/BCT-ĐL ngày 08/5/2020 về việc xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió; căn cứ kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về phát triển năng lượng tái tạo và những vấn đề liên quan an ninh kinh tế (Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 07/2/2020 cùa Văn phòng Chính phủ); căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 59 Luật Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

Do chậm tiến độ đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than có quy mô công suất lớn được quy hoạch với tiến độ đưa vào vận hành đến năm 2023 nên hệ thống điện quốc gia dự kiến đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất lớn nếu không có các giải pháp điều hành phù hợp và kịp thời. Do đó, đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch điện gió như đề nghị của Bộ Công Thương tại các văn bản nêu trên. 

Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện gió đến năm 2025 với quy mô công suất 11.630 MW nhằm đảm bảo cung cấp điện, phát triển nguồn điện đủ dự phòng. Đồng thời, xem xét quyết định bổ sung quy hoạch các dự án điện gió với phương án đấu nối và điều kiện giải tỏa công suất; bổ sung quy hoạch/đẩy sớm tiến độ các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ nhằm giải tỏa công suất các dự án điện gió...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thực hiện việc rà soát, cập nhật các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực theo quy định, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, chặt chẽ, khoa học, đồng bộ nguồn và lưới điện, hiệu quả kinh tế chung; kiên quyết chống tiêu cực, không để xảy ra tình trạng “xin - cho” các dự án.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cần khẩn trương xử lý kiến nghị bổ sung quy hoạch điện gió của các địa phương đã gửi Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương và Quốc hội để rà soát, xem xét bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện theo quy định đối với các dự án điện gió phù hợp ở những địa phương có tiềm năng và thuận lợi phát triển điện gió, có khả năng giải tỏa công suất nhưng hiện có ít dự án và có thể triển khai thực hiện nhanh bổ sung nguồn cung ứng điện cho đất nước.

Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý các kiến nghị của Ban Kinh tế Trung ương vả ủy ban Kinh tế của Quốc hội về các vẩn đề có tính cấp bách về phát triển năng lượng và bổ sung quy hoạch điện gió cùa các địa phương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lại các văn bản số 3861/VPCP-CN ngày 18/5/2020, số 3827/VPCP-CN ngày 15/5/2020, số 3609/VPCP-CN ngày 07/5/2020, số 2492/VPCP-CN ngày 31/3/2020 cùa Văn phòng Chính phủ.

Đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/10/2020 để xem xét, phê duyệt theo quy định, làm cơ sở quản lý chủ động quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan về đề nghị kéo dài cơ chế giá cố định đối với các dự án điện gió theo chỉ đạo tại văn bản số 3913/VPCP-CN ngày 19/5/2020 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phối hợp cùng các địa phương có liên quan quản lý chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng các dự án điện gió theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời giải quyết vướng mắc đối với các dự án đã được quy hoạch để sớm đưa vào vận hành, bổ sung nguồn cung ứng điện cho đất nước.

EVN sẽ hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân và Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm đều nhấn mạnh quan điểm của EVN là tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại cuộc họp mới đây với các tổng công ty điện lực.

Theo báo cáo của Ban Kinh doanh EVN tại cuộc họp, tính đến thời điểm ngày 7/6/2020, trên cả nước đã có hơn 31.100 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt hơn 640MWp, sản lượng phát lên lưới hơn 145 triệu kWh. Tổng số tiền điện EVN đã thanh toán cho các khách hàng là hơn 300 tỉ đồng.

Theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy ĐMTMN. EVN sẽ tạo điều kiện để nguồn ĐMTMN phát triển phù hợp, mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải tỏa của lưới điện. Đồng thời, việc phát triển ĐMTMN sẽ góp phần tạo nguồn cung điện tại chỗ, góp phần đảm bảo cung ứng điện khi hệ thống điện Việt Nam không còn nguồn dự phòng,

Hệ thống ĐMTMN tại một trường học ở tỉnh Đắk Nông do Tổng công ty Điện lực miền Trung tài trợ

Tổng giám đốc EVN cũng chỉ đạo các ban chuyên môn EVN và các tổng công ty điện lực nghiên cứu công bố thông tin về khả năng hấp thụ nguồn ĐMTMN tại các khu vực để nhà đầu tư xem xét vị trí, quy mô đầu tư hệ thống ĐMTMN phù hợp. Đồng thời, đưa ra hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn để hỗ trợ nhà đầu tư lựa chọn công nghệ phù hợp.

Bên cạnh đó, các ban chuyên môn EVN cũng cần ban hành hướng dẫn triển khai ĐMTMN cụ thể tới các đơn vị điện lực, trong đó thống nhất quan điểm, thể hiện cách làm việc rõ ràng, công khai, minh bạch của EVN. Đồng thời, cần tiếp tục quảng bá mạnh hơn nữa tới từng hộ dân, từng người dân về hiệu quả ĐMTMN. Các Điện lực cũng cần tư vấn khách hàng để lựa chọn công suất lắp đặt ĐMTMN phù hợp với quan điểm tự tiêu thụ điện tại chỗ là chủ yếu.

Trong quá trình phát triển các hệ thống ĐMTMN xuất hiện một số vướng mắc như trên địa bàn các tỉnh, thành phố hiện có một số dự án điện mặt trời có các tấm pin mặt trời lắp đặt trên hệ thống khung giá đỡ (không có mái) nằm trên đất, công suất dưới 01MW đấu nối vào lưới điện có cấp điện áp ≤ 35 kV. Hoặc dự án điện mặt trời đấu nối vào lưới điện có cấp điện áp ≤ 35 kV, có các tấm pin mặt trời lắp đặt một phần nhỏ trên mái nhà, phần lớn còn lại lắp trên đất của khách hàng sử dụng điện. Ngoài ra còn có trường hợp, dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà xưởng, nhà kho của khách hàng trong khu công nghiệp, vừa mua điện từ lưới điện của EVN để sử dụng và vừa bán điện mặt trời lên lưới điện của EVN qua máy biến áp 110kV.

Theo quy định tại khoản 5 và khoản 6, Điều 3 của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, các dự án trên được gọi là điện mặt trời nối lưới. Cũng theo quy định tại các khoản 1, 3 và 4, điều 5 của quyết định này, chỉ các dự án nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 hoặc đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ 01/7/2019 đến hết 31/12/2020 mới được áp dụng giá điện mặt trời nối lưới theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Các dự án điện mặt trời nối lưới còn lại, giá mua điện được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh. Do vậy, các dự án điện mặt trời công suất dưới 01 MW nêu trên chưa xác định được giá điện.

EVN đề nghị Bộ Công Thương xem xét các dự án điện mặt trời công suất dưới 01 MW trong các trường hợp nêu trên là điện mặt trời mái nhà để khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện mặt trời.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư dự án ĐMTMN đã thực hiện ký hợp đồng mua bán điện với EVN trước 30/6/2019, nay có nhu cầu lắp đặt tăng thêm công suất của dự án, cũng khó khăn trong việc xác định giá mua điện cho EVN.

Để đảm bảo thực hiện đúng giá mua điện mặt trời trong từng giai đoạn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, EVN kiến nghị Bộ Công Thương cho phép EVN thực hiện áp dụng giá mua điện đối sản lượng điện phát lên lưới tương ứng với tỷ lệ công suất lắp đặt trước và sau 30/6/2019.

Đồng thời, bổ sung các chế tài xử phạt trong trường hợp các chủ đầu tư dự án ĐMTMN tăng công suất mà không thông báo với bên mua điện như: phạt vi phạm hợp đồng, thoái hoàn tiền điện do EVN thanh toán thừa, đơn phương chấm dứt hợp đồng...

Đề xuất các giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà tại TPHCM

Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) vừa tổ chức hội thảo “Các giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà tại TPHCM” nhằm thúc đẩy phát triển loại hình nguồn điện này mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, thời gian qua, EVNHCMC đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển ĐMTMN tại TPHCM. Theo đó, Tổng công ty đã phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM triển khai tuyên truyền về điện mặt trời trong các khu công nghiệp - khu chế xuất. EVNHCMC cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời để triển khai những gói sản phẩm ưu đãi đến doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện...

Tính đến hết tháng 5/2020, toàn TP đã có 7.341 công trình ĐMTMN, với tổng công suất lắp đặt 94,49MWp. Sản lượng điện năng phát lên lưới đạt 33,33 triệu kWh (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng).

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo EVNHCMC, công suất lắp đặt trên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng ĐMTMN của TPHCM (hơn 6.000MW). Đó là chưa kể, phần lớn công trình ĐMTMN trên địa bàn TPHCM hiện nay đều do hộ gia đình đầu tư (chiếm 88% tổng số công trình) với quy mô nhỏ; tỉ lệ các doanh nghiệp tham gia vẫn còn thấp. 

Thời gian qua, EVNHCMC đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển ĐMTMN tại TPHCM

Tại hội thảo, một số nhà cung cấp điện mặt trời, tổ chức tài chính đã có các bài tham luận về giải pháp kỹ thuật, giải pháp tài chính cho từng nhóm khách hàng cụ thể. Qua đó, giúp khách hàng hộ gia đình/doanh nghiệp có cái nhìn đầy đủ về lợi ích của ĐMTMN để nghiên cứu, đầu tư.

Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, đại diện Công ty SolarBK, đối với các doanh nghiệp có diện tích mái nhà từ 3.000 - 10.000m2, công ty sẽ cùng đầu tư với doanh nghiệp với tỷ lệ góp vốn từ 70% đến 100%. SolarBK sẽ thiết kế, thi công lắp đặt toàn bộ hệ thống và chịu trách nhiệm bảo trì, vận hành. Doanh nghiệp sử dụng toàn bộ sản lượng điện mặt trời tạo ra với giá rẻ hơn ngành điện và được sở hữu hệ thống sau thời gian hợp tác...

Tương tự, các nhà cung cấp khác như: công ty như Vietnam Eco Solution (VES), Công ty cổ phần năng lượng TTC... cũng đưa ra những giải pháp phối hợp đầu tư và chuyển giao hệ thống, với nhiều ưu đãi khác nhau, phần lớn là các giải pháp về tài chính, chính sách vận hành, bảo hành để tạo cho người dân TPHCM dễ tiếp cận công nghệ dịch vụ và việc sử dụng năng lượng mặt trời trở nên phổ biến.

Đại diện ngân hàng HDBank (ngân hàng Phát triển TPHCM) cho biết, ngân hàng này có chính sách cho vay 70% chi phí lắp đặt đối với khách hàng doanh nghiệp và doanh nghiệp cá nhân với tài sản đảm bảo chính là hệ thống ĐMTMN. Theo đại diện của HDBank, tính đến tháng 3/2020, ngân hàng này đã cấp tín dụng cho nhiều dự án ĐMTMN trên cả nước với số tiền là 1.200 tỷ đồng. 

Còn theo đại diện Công ty tài chính cổ phần điện lực (EVN Finance), công ty này đưa ra gói tài chính thiết kế riêng cho khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN với mục tiêu giải ngân 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2022.

PV