Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 8/2020

Thứ hai, 2/3/2020 | 08:34 GMT+7
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về báo cáo hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Xem xét phương án giá bán điện mặt trời nối lưới từ 7,09 – 7,69 Uscent/kWh

Theo văn bản Thông báo của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo phương án giá bán điện mặt trời nối lưới từ 7,09 – 7,69 Uscent/kWh (phương án 2).

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng từ ngày 01/07/2019, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng và trình Thủ tướng tại tờ trình 10170/Tr-BCT ngày 31/12/2019.

Ngày 16/01/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có văn bản chỉ đạo giao Bộ Công Thương tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành liên quan cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4/2/2020, Bộ Công Thương đã hoàn chỉnh dự thảo và báo cáo bổ sung số 06/BC-BCT ngày 6/2/2020.

Xem xét phương án giá bán điện mặt trời nối lưới từ 7,09 – 7,69 Uscent/kWh

Theo báo cáo số 06, Bộ Công Thương đề xuất 02 phương án quy định đối tượng được áp dụng giá bán điện như sau:

Phương án 1: dự án hoặc phần dự án điện mặt trời nối lưới đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 01/07/2019 đến hết ngày 31/12/2020 được áp dụng biểu giá mua điện cố định (FIT) của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện.

Phương án 2: dự án hoặc phần dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 được áp dụng giá FIT của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện.

Theo phương án 1, sẽ có 7 dự án với tổng công suất khoảng 320 MW đã ký PPA và đáp ứng điều kiện cơ sở về dự án đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019. Còn theo phương án 2, có 36 dự án có chủ trương đầu tư với tổng công suất khoảng 2.988,9 MW.

Các dự án điện mặt trời đáp ứng điều kiện này và đưa vào vận hành trước ngày 01/01/2021 được áp dụng giá bán điện quy định là điện mặt trời mặt đất: 7,09 Uscent/kWh, điện mặt trời nổi: 7,69 Uscent/kWh.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, các chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã kiến nghị do nhiều dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã bỏ nhiều thời gian, kinh phí hoàn thành các thủ tục quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị xây dựng, thi công các hạng mục phụ trợ và hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật. Việc chưa ký PPA phần hớn do nguyên nhân khách quan là sau thời điểm 30/6/2019, Quyết định 11 hết hiệu lực nên chưa có cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký kết PPA với nhà đầu tư.

Nếu các dự án như trên chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh có khả năng sẽ làm chậm tiến độ dự án, gia tăng thời gian, chi phí và nguồn lực đối với nhà đầu tư cũng như giảm hiệu quả dự án. Mặt khác, các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa có cơ chế điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu dự án không được thực hiện sẽ dảnh hưởng đến cam kết của UBND tỉnh, ảnh hưởng môi trường đầu tư, ảnh hưởng uy tín đối với chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện trong những năm tới hoặc phải huy động nguồn điện chạy dầu với giá cao, việc huy động được công suất của các dự án điện mặt trời đã và đang triển khai các thủ tục chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng và kịp đưa vào vận hành trong năm 2020 sẽ bổ sung kịp thời nguồn cung cấp trước nguy cơ thiếu điện tại miền Nam trong giai đoạn tới. Chính vì vậy, Bộ Công Thương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo phương án 2.

Trên cơ sở ý kiến đồng thuận của các Bộ, ngành liên quan theo phương án đề xuất của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó làm rõ những mặt được, mặt hạn chế của phương án lựa chọn; khẩn trương báo cáo Thủ tướng trước ngày 27/2/2020.

Khởi công dự án điện gió gần 3.370 tỷ đồng đồng tại Trà Vinh

Tại tỉnh Trà Vinh, Công ty Janakuasa Pte LTD (Singapore) và Công ty CP Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh vừa tổ chức lễ động thổ dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh có quy mô đầu tư gần 3.370 tỷ đồng, công suất 78 MW.

Dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh có vốn đầu tư gần 3.370 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư chiếm 20%, còn lại là vốn vay từ Quỹ đầu tư CIO (Climate Investment One - Hà Lan) và Samtan International - Hàn Quốc. Dự án được xây dựng tại khu đất bãi bồi ven biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với 18 cột tua bin gió.

Theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, dự án sử dụng gần 2.800 ha mặt đất và mặt nước, sản lượng 300 triệu kWh/năm. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho 50 - 100 người mỗi năm.

Ảnh minh họa

Ông Ti Chee Liang, Chủ tịch Công ty CP Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh cho biết đã bắt đầu thủ tục đầu tư theo luật pháp và quy định của Việt Nam ngay sau khi được trao chủ trương đầu tư. Cụ thể, công ty đã ký hợp đồng với Công ty Tư vấn Xây dựng điện 3 và Viện Năng lượng để chuẩn bị báo cáo đầu tư và thiết kế cơ sở cho hai lô V 1.5 và 1.6 với công suất 48 MW và 30 MW được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch năm 2015. Ngoài ra, công ty cũng ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam các thỏa thuận đấu nối lưới và nhiều thỏa thuận kỹ thuật khác.

Theo kế hoạch, các tua bin gió đầu tiên của nhà mày sẽ được chạy vào đầu năm 2021 và dự án sẽ được hoàn thành vào giữa năm 2021.

Công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam 2.0

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (phiên bản 2.0), đưa ra chiến lược phát triển năng lượng dựa trên những nguồn năng lượng tại Việt Nam với trọng tâm là năng lượng tái tạo.

Theo đại diện Liên minh VBF, khi năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt đã đặt ra yêu cầu khai thác nguồn năng lượng tái tạo, sạch, an toàn để thay thế. Việc làm này còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường sống. Bằng nhiều biện pháp, các cơ quan chức năng nên khuyến khích việc sử dụng hệ thống pin mặt trời trên các tầng mái, thậm chí có thể lan tỏa thành các phong trào rộng khắp trong cộng đồng xã hội. Đó chính là lý do VBF công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (phiên bản 2.0).

Báo cáo được hoàn thành nhờ sự nỗ lực của tập thể các thành viên VBF - một kênh đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam gồm 15 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Báo cáo này dựa trên Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (phiên bản 1.0) năm 2016 của Nhóm công tác điện và năng lượng VBF.

Theo đánh giá của Nhóm công tác điện và năng lượng VBF, năm 2019 chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng mặt trời và năng lượng gió tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc cần thiết phải có sự điều tiết cho sự mở rộng “bùng nổ” của hệ thống pin lưu trữ, tăng hiệu quả năng lượng và khí tự nhiên.

Trưởng nhóm công tác Điện và năng lượng VBF ông John Rockhold cho biết: “Việt Nam có tiềm năng phát triển nhanh chóng năng lượng tái tạo trong điều kiện thị trường hiện nay nếu có các chính sách hiệu quả. Tuy nhiên, tham vọng mở rộng hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo vẫn bị hạn chế bởi những rào cản mà người tiêu dùng quan tâm mua năng lượng sạch và đơn vị sản xuất tiếp cận vốn tài trợ đang phải đối mặt”.

Vì vậy, trong phiên bản 2.0 của Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam, VBF đã đưa ra kế hoạch thay thế giúp phát triển ngành năng lượng của Việt Nam trong tương lai bằng cách đề xuất lộ trình phát triển năng lượng sạch hơn, có chi phí hợp lý hơn và bền vững hơn. Theo đó, VBF đưa ra 6 khuyến nghị cơ bản như: khuyến khích các chuyên gia năng lượng trong khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII; trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, khí, pin lưu trữ và sử dụng hiệu quả năng lượng. Thực hiện các quy định pháp luật và các ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư tư nhân phát triển các dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn và nhỏ, chẳng hạn như điện mặt trời áp mái, pin lưu trữ, trang trại điện mặt trời, điện mặt trời nổi, điện gió ngoài khơi và trên bờ, điện sinh khối; đơn giản hoá quy trình phê duyệt dự án trong khi vẫn duy trì các hệ thống điện an toàn.

Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam phiên bản 2.0 cũng đề xuất, chuẩn hóa Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Hợp đồng mua bán điện (PPA) thành hợp đồng có khả năng được chấp nhận cấp vốn quốc tế, được sử dụng toàn cầu cũng như tại các nước ASEAN. Bên cạnh đó, công bố lộ trình giá bán lẻ điện đến năm 2025, trong đó cần phản ánh sự dịch chuyển theo hướng định giá theo thị trường, điều chỉnh số giờ áp giá điện đỉnh và cân nhắc áp dụng biểu giá bán lẻ khác nhau cho các khu vực khác nhau và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, cũng cần đánh giá nhu cầu cấp thiết về phát triển hệ thống lưới truyền tải, cách thức phát triển hạ tầng lưới điện có chi phí thấp nhất nhằm hỗ trợ cho lượng điện năng lượng tái tạo và nguồn điện truyền tải gia tăng; đánh giá nguyên nhân, giải pháp cho cường độ sử dụng năng lượng rất cao và ngày càng tăng so với các nước láng giềng khu vực có GDP bình quân đầu người tương đương/cao hơn, chuẩn bị chiến dịch tuyên truyền cộng đồng về tránh lãng phí năng lượng ở cấp độ dân cư, văn phòng, nhà máy sản xuất.

PV