Năng lượng tái tạo

Quảng Trị có thể trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung

Chủ nhật, 23/2/2020 | 15:23 GMT+7
Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu mới đây đã đến làm việc tại tỉnh Quảng Trị.

Đây là chuyến công tác tiếp theo của người đứng đầu ngành Công Thương (sau Gia Lai, Kon Tum) thể hiện vai trò trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc triển khai nhanh chóng, hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành ngày 11/02/2020.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4965/QĐ-BCT ngày 27/12/2018 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035, trong đó những nội dung về dự báo nhu cầu điện; quy hoạch phát triển lưới điện 220kV, 110kV, lưới điện trung áp các giai đoạn cụ thể.

Về tình hình quy hoạch các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo, Quảng Trị hiện có 3 dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất là 149,5 MWp gồm: dự án điện mặt trời LIG - Quảng Trị, công suất 49,5 MWp (đưa vào vận hành thương mại kể từ ngày 22/5/2019); dự án Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1, Gio Thành 2, mỗi dự án có công suất 50 MWp (hiện đang thực hiện triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình).

Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu làm việc tại tỉnh Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị đã trình bổ sung 13 dự án điện mặt trời trên địa bàn với tổng công suất 894,95 MWp gồm: Gio Mỹ, công suất 50 MWp; Vĩnh Tú, công suất 50 MWp; Trúc Kinh, công suất 50 MWp; điện mặt trời nổi Ái Tử, công suất 49,95 MWp; Hacom Quảng Trị, công suất 50 MWp; Hải Dương - Hải Lăng, công suất 80 MWp; LIG - Gio Linh 1,2,3, công suất 125 MWp; Mai Quang 1, công suất 50 MWp; Mai Quang 2, công suất 50 MWp; điện mặt trời La Ngà, công suất 90 MWp; Quảng Trị, công suất 250 MWp.

Về điện gió, Quảng Trị có 17 dự án điện gió đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 608 MW bao gồm: dự án điện gió Hướng Linh 1, 2 (mỗi dự án có công suất 30 MW); Hướng Phùng 1, công suất 30 MW; Hướng Phùng 2, công suất 20 MW; Hướng Linh 3, công suất 30 MW; Hướng Hiệp 1, công suất 30 MW; Hướng Tân, Liên Lập, Tân Linh (mỗi dự án có công suất 48 MW); Phong Liệu, Phong Huy và Phong Nguyên (mỗi dự án có quy mô công suất 48 MW); Hướng Linh 4, công suất 30 MW; Hướng Phùng 3, công suất 30 MW; Gelex 1, 2, 3 (mỗi dự án có công suất 30 MW). Trong đó, dự án Hướng Linh 2 được vào vận hành thương mại ngày 9/1/2017 và dự án Hướng Linh 1 được đưa vận hành thương mại ngày 6/11/2019. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã trình bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực 50 dự án điện gió với tổng quy mô công suất là 2.522,15 MW.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, điện mặt trời mà địa phương đã trình, để nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo. Đối với Trạm biến áp 500kV Quảng Trị (Hải Lăng) hiện đang được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia triển khai đầu tư, ông Hùng đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quan tâm có giải pháp thiết kế TBA phù hợp với việc vừa giải tỏa công suất các nhà máy nhiệt điện vừa giải tỏa hết công suất của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Bên cạnh đó, để khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng năng lượng điện gió các khu vực miền Tây Quảng Trị, giúp Quảng Trị phát triển, đại diện lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị trong Tổng sơ đồ điện VIII giai đoạn từ năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch và đầu tư dự án đường dây và TBA500kV Quảng Trị - Hướng Hóa.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ủng hộ quan điểm tiếp cận của tỉnh trong phát triển lĩnh vực năng lượng. Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Quảng Trị đang có những điều kiện rất tốt để phát huy trở thành trung tâm năng lượng sạch và tái tạo tại khu vực với những nguồn năng như điện gió, điện mặt trời, năng lượng khí, nhiệt điện khí… Dự kiến trong thời gian tới, công suất phát của các dự án đã đầu tư và phê duyệt tại đây lên đến gần 10.000 MW. Bộ trưởng khẳng định, việc phát triển công nghiệp năng lượng là một trụ cột quan trọng để Quảng Trị có điều kiện để phát huy được ảnh hưởng, vai trò của mình trong liên kết vùng. Đặc biệt, với việc thông qua hệ thống truyền tải năng lượng quốc gia, Quảng Trị sẽ có điều kiện tiếp tục phát triển các vùng phụ tải của mình để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến, gắn trên nền tảng nền nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định quan điểm ủng hộ Quảng Trị thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực miền Trung.

An Vinh