Báo động tình trạng quá tải rác sinh hoạt tại Hà Nội

Thứ năm, 20/8/2020 | 15:08 GMT+7
Theo báo cáo năm 2019 của Ban Đô thị UBND TP Hà Nội, hai bãi rác chính của Hà Nội đã bị quá tải, nếu Hà Nội không có giải pháp công nghệ thay thế thì đến hết năm 2020 sẽ phải đóng bãi.

Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt của toàn thành phố Hà Nội được tập trung xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.

Được biết, giai đoạn 1 của Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn từ năm 1996 đến nay đã đóng bãi. Giai đoạn 2 được triển khai sau khi UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn) vào năm 2011.

Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 chia thành 2 khu bao gồm: khu phía Nam 36,26 ha, gồm 6 ô chôn lấp hợp vệ sinh; khu phía Bắc 37,47ha gồm 2 ô chôn lấp. Theo tính toán, khu phía Nam được đưa vào vận hành từ đầu năm 2015, đến hết năm 2018 đóng bãi. Từ năm 2019 – 2021 chuyển sang chôn lấp rác tại khu phía Bắc.

Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt hiện đều vận chuyển và xử lý ở khu phía Nam của Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (khoảng 5.000 - 5.300 tấn/ngày đêm). Như vậy, khu phía Nam đến nay đã phải tiếp nhận khoảng 5,5 triệu tấn rác, vượt công suất thiết kế 1,4 triệu tấn.

Khu phía Nam của Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn hiện đang bị quá tải nghiêm trọng

Còn tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, theo quy hoạch đến năm 2020, công suất xử lý khoảng 700 tấn/ngày đêm nhưng hiện nay phải tiếp nhận xử lý khoảng 1.200 – 1.300 tấn rác thải một ngày.

Nhìn tổng thể, cái khó trong bài toán xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay của Hà Nội là toàn thành phố chỉ có hai Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, lượng rác thải đã vượt quá công suất tiếp nhận, công nghệ xử lý lại chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh.

Chính vì công nghệ xử lý chôn lấp dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh, cộng thêm việc quá tải nghiêm trọng của hai khu xử lý càng làm trầm trọng thêm tình trạng “khủng hoảng” rác thải sinh hoạt nội đô của Hà Nội.

Nắm bắt được tình trạng trên, từ năm 2017, lãnh đạo TP Hà Nội đã kêu gọi đầu tư vào các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, hiện chỉ có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn đang trong quá trình xây dựng. Các dự án còn lại đều chưa được khởi công.

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn hiện đang trong giai đoạn thi công

Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Nhà máy điện rác Sóc Sơn, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp, thoát nước và môi trường Hà Nội căn cứ diện tích đã giải phóng mặt bằng tại khu phía Bắc đầu tư khẩn cấp ô chứa khoảng 5ha, hoàn thành trước tháng 10 tới.

Đối với Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đầu tư hai dự án gồm: dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn với công suất 1.000 tấn/ngày, phát điện 15,5MW và dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn/ngày, phát điện 12MW. Tuy nhiên, hai dự án này đều chưa được khởi công.

Như vậy, từ năm 2021, nếu dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đúng tiến độ thì tối đa 4.000 tấn rác trong số khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt của Hà Nội sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. 3.000 tấn rác còn lại sẽ tiếp tục được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại các ô chôn lấp ở Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, cho đến khi có các dự án xử lý rác thải sử dụng công nghệ mới thay thế.

Ngân Hoa (T/H)