Năng lượng mặt trời

Bình Dương xem xét các dự án năng lượng mặt trời lắp đặt trên mặt hồ

Thứ năm, 15/8/2019 | 09:00 GMT+7
Sở Công Thương tỉnh Bình Dương mới đây làm việc với các doanh nghiệp về việc xin chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời tại khu vực hồ đá thuộc phường Bình Hòa, thị xã Dĩ An và khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng.

Theo đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Vũ Phong, dự án nhà máy điện mặt trời Vũ Phong Dĩ An tại khu vực hồ đá thuộc khuôn viên của làng đại học Thủ Đức có công suất 45MWp với tổng diện tích sử dụng đất và mặt nước là 65 ha. Tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của công ty là 20 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, dự án dự kiến triển khai trong 30 tháng và sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2021.

Trong khi đó, nhà máy điện mặt trời nổi Dầu Tiếng sẽ do liên doanh Winland là chủ đầu tư với tổng kinh phí lên đến 11.000 tỷ đồng, công suất 500 MW trên hệ thống công nghệ phao nổi. Diện tích nghiên cứu, khảo sát dự án là 700 ha ở khu vực lòng hồ Dầu Tiếng. Theo chủ đầu tư, nhà máy sẽ ứng dụng công nghệ pin mặt trời và giải pháp lắp đặt tiên tiến giúp tăng hiệu quả khai thác mặt hồ mà không ảnh hưởng đến vai trò điều tiết thủy lợi trong vùng.

Bình Dương đang xem xét việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời nổi trên mặt hồ. (Ảnh minh họa)

Sở Công Thương Bình Dương nhận định, các dự án điện mặt trời sẽ là những công trình trọng điểm về năng lượng tái tạo nhưng cần bảo đảm hệ sinh thái, an toàn về an ninh, an sinh xã hội... Bên cạnh đó, cần tập hợp các ý kiến của sở, ban ngành liên quan về vị trí an ninh quốc phòng của các hồ, cập nhật lại quy hoạch vùng và đánh giá tác động môi trường hệ sinh thái khu vực, ảnh hưởng của hệ thống đường dây đấu nối vào hệ thống điện lưới khi triển khai các dự án…

Sau khi có ý kiến chính thức của các sở, ban ngành liên quan, Sở Công Thương Bình Dương sẽ tập hợp để tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định về chủ trương những dự án nhà máy điện mặt trời nói trên.

PV