Cần minh bạch trong cách tính giá nước sinh hoạt

Thứ năm, 28/11/2019 | 14:26 GMT+7
Đó là ý kiến của rất nhiều đại biểu đưa ra tại Tọa đàm về Giá nước sinh hoạt diễn ra ngày 28/11/2019 do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam phối hợp tổ chức.

Ông Nguyễn Trọng Dương, Viện phó Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường đánh giá, nhìn chung, so sánh khung giá nước theo Thông tư 88 cho đến nay, chúng ta chưa vượt, đối với các đô thị, thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP. HCM… rõ ràng khung giá là khá rộng, từ 3.500 đồng cho đến 18.000 đồng.

"Chúng ta cho đến giờ phút này chưa vượt, nhưng làm sao để Nhà nước, doanh nghiệp tính đúng tính đủ giá nước, đảm bảo minh bạch là điều chúng ta mong muốn. Định mức sản xuất nước sạch, dự toán xây dựng cơ bản, quy định về cách tính giá nước là công cụ để xây dựng khung giá. Tuy nhiên, các quy định vẫn còn những thiếu sót”, ông Dương nói và cho rằng giá thành phải phản ánh đúng chất lượng nước, do đó, cần quản lý, kiểm soát chất lượng tốt hơn, người dân sẵn sàng chi tiền để có được chất lượng phục vụ tốt.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký hội Cấp thoát nước Việt Nam, hành lang pháp lý tính giá nước tương đối đầy đủ và chặt chẽ, từ Nghị định 112, 124, cho đến Thông tư 75, thông tư 88. Tuy nhiên, hiện nay, 63 tỉnh thành khác nhau, có trăm cách áp dụng khác nhau, hơn 100 công ty cấp nước có mức giá nhau, đó chính là đặc thù của ngành nước, bởi giá nước không chỉ là vấn đề lý thuyết, do đó không thể có 1 mức giá nước thống nhất trên toàn quốc.

Theo các chuyên gia người dân đòi hỏi sự minh bạch trong tính giá nước

Ông Hưng cho rằng, đã có cách tính cụ thể, xác thực, cần tính đúng, tính đủ giá nước. Hà Nội bình quân khoảng 9.000 đồng/m3, một ngày tính chỉ bỏ ra hơn 1.000 đồng tiền nước sử dụng, quá rẻ. Giá nước đang là thấp nhất trong các loại chi phí, nhu yếu phẩm đang sử dụng hàng ngày, tăng đến 20.000 đồng vẫn không sao, nhưng cần phải minh bạch, tính đúng, tính đủ.

Liên quan tới vấn đề giá nước sạch ở Hà Nội vừa qua gây bức xúc trong nhân dân, ông Hưng ủng hộ việc TP. Hà Nội sẽ thuê tư vấn độc lập để tính giá nước. “Đúng thật, quá trình tính giá nước cần có đơn vị độc lập kiểm tra, dùng hóa chất bao nhiêu, dùng điện bao nhiêu, nhân công bao nhiêu? Trên cơ sở mẫu nước tính ra lượng hóa chất xử lý, nước ô nhiễm xử lý tốn kém là đúng, nhưng áp dụng công nghệ hiện đại thì phải tiết kiệm chi phí nhân công”, ông Hưng phân tích.

Khẳng định lại vấn đề, ông Hưng cho rằng, người dân không quan trọng giá nước bao nhiêu, họ có thể chi trả như Châu Âu với mức 11,5 đô /m3, nhưng người dân đòi hỏi sự cần minh bạch vì nước là ngành phi lợi nhuận. Bên cạnh đó, người dân quan tâm đến chất lượng nước, chất lượng dịch vụ.

“Dịch vụ cấp nước đảm bảo 24/24, áp lực phải đảm bảo để cấp nước đầy đủ, nếu nay có mai mất nhưng giá nước lại cao là không hợp lý, chất lượng nước phải đảm bảo theo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành, vì nó liên quan đến chất lượng cuộc sống, chất lượng của cả thế hệ tương lai”, ông Hưng cho biết.

Anh Khuê