Văn hóa, du lịch

Chuẩn bị khai hội xuân trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thứ hai, 23/1/2023 | 16:42 GMT+7
Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ là thời điểm các lễ hội xuân trên địa bàn Hà Nội tưng bừng khai hội, hứa hẹn một mùa lễ hội đông vui, nhộn nhịp.

Trong không khí tươi vui cả nước đón chào năm mới, các quận, huyện, thị xã đang gấp rút chuẩn bị để các lễ hội trên địa bàn diễn ra an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa. Trong bối cảnh đó, ngành văn hóa Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố nhằm quản lý tốt hơn hoạt động của lễ hội.

Công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa. Hà Nội thông qua việc tổ chức lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đảm bảo phần lễ trang nghiêm, phần hội vui tươi, lành mạnh phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết.

Một trong những lễ hội tổ chức sớm thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Hà Nội và du khách thập phương là lễ hội gò Đống Đa, diễn ra vào ngày 26/1 (tức mùng 5 tháng Giêng âm lịch). Năm nay, quận Đống Đa tổ chức lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đồng thời tôn vinh tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc. Được biết, phần lễ của lễ hội sẽ diễn ra với lễ dâng hương, tế lễ, lễ rước kiệu, lễ dâng hoa, dâng hương tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung; phần hội có các tiết mục biểu diễn nghệ thuật và trò chơi dân gian…

Tiếp theo đó, ngày 27/1 (mùng 6 tháng Giêng) sẽ diễn ra lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) năm 2023 gắn với lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đây là một trong bốn lễ hội lớn của Hà Nội, diễn ra với nghi lễ rước kiệu từ đình Hạ Lôi về đền Hai Bà Trưng, tổ chức tế lễ theo nghi thức truyền thống của địa phương cùng chương trình lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, các hoạt động của lễ hội phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, mang tính giáo dục truyền thống, góp phần khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các tầng lớp nhân dân trong huyện và du khách gần xa.

Được biết, huyện Đông Anh có 98 lễ hội truyền thống diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng 11 Âm lịch, trong đó có 51 lễ hội diễn ra trong tháng Giêng. Nổi bật trong đó là lễ hội Cổ Loa và lễ hội đền Sái, lần lượt khai hội vào ngày 27/1 và ngày 1/2 (ngày 11 tháng Giêng). Hai lễ hội sẽ tái hiện nhiều nghi lễ dân gian truyền thống độc đáo. Trong đó, lễ hội Cổ Loa có nghi lễ rước kiệu Bát xã Loa Thành, nghi lễ nghênh rước kiệu Vua An Dương Vương, lễ dâng hương và các nghi thức tế lễ… Lễ hội đền Sái cũng diễn ra nghi lễ rước vua, chúa, các quan viên giả từ đình lên đền Sái làm lễ và trở về đình Nhội; nghi lễ tế Thánh và lễ Ướm gươm…

Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: Lễ hội Cổ Loa và lễ hội đền Sái luôn giữ gìn nét văn hóa truyền thống để nhân dân được thụ hưởng các giá trị văn hóa dân tộc, cộng đồng dân cư, từ đó biết trân trọng và bảo tồn nét đẹp văn hóa tín ngưỡng.

Nhiều lễ hội truyền thống diễn ra từ tháng Giêng đến hết năm

Trong điều kiện nhiều sự kiện tập trung đông người sắp diễn ra, thành phố Hà Nội luôn chú trọng công tác quản lý và tổ chức lễ hội để đảm bảo việc tổ chức phải trang trọng, tiết kiệm, an toàn và lành mạnh. Các địa phương cũng không được để xảy ra hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; cần tuyên truyền nhân dân khi tham gia lễ hội phải nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự.

Theo đó, UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu Công an huyện có phương án tổ chức bảo vệ đoàn rước hoa tre thôn Vệ Linh và đoàn rước trầu cau thôn Đan Tảo; xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng. Ban tổ chức lễ hội cũng thành lập đội kiểm tra liên ngành thanh, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong kinh doanh dịch vụ văn hóa, cờ bạc, mê tín dị đoan… tại lễ hội. Việc đảm bảo văn minh nơi thờ tự cũng được quan tâm với việc bố trí người hướng dẫn nhân dân hành lễ đúng quy định.

Riêng với lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), việc đảm bảo sự an toàn, văn minh, thân thiện trong tổ chức và quản lý lễ hội càng phải được chú trọng. Đặc biệt, nơi thắp hương, nến, hóa sớ cần được nhà chùa và ban tổ chức lễ hội bố trí đảm bảo an toàn, tránh xảy ra cháy nổ. Khách tham quan cũng được hướng dẫn dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, không đặt tiền lễ, tiền công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.

Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, huyện đã phân công lực lượng công an giữ an ninh trật tự tại nơi diễn ra sự kiện, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông trên suối Yến; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường họp cố tình vi phạm pháp luật, như: xuồng, đò chở quá số người quy định, không có giấy phép hoạt động...

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Theo đó, Sở đề nghị ban tổ chức các lễ hội không tổ chức tốn kém, lãng phí; không lợi dụng lễ hội để trục lợi; cần nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan như: bói toán, xóc thẻ; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức; hoạt động đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực lễ hội. Trong khu vực bảo vệ của di tích lịch sử - văn hóa, Ban tổ chức cần nghiêm cấm tổ chức các hoạt động dịch vụ, không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định…

Lam An (T/H)