Điện mặt trời mái nhà

Đề xuất các giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà tại TPHCM

Thứ sáu, 12/6/2020 | 14:22 GMT+7
Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) vừa tổ chức hội thảo “Các giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà tại TPHCM” nhằm thúc đẩy phát triển loại hình nguồn điện này mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, thời gian qua, EVNHCMC đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại TPHCM. Theo đó, Tổng công ty đã phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM triển khai tuyên truyền về điện mặt trời trong các khu công nghiệp - khu chế xuất. EVNHCMC cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời để triển khai những gói sản phẩm ưu đãi đến doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện...

Tính đến hết tháng 5/2020, toàn TP đã có 7.341 công trình điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất lắp đặt 94,49MWp. Sản lượng điện năng phát lên lưới đạt 33,33 triệu kWh (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng).

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo EVNHCMC, công suất lắp đặt trên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng điện mặt trời mái nhà của TPHCM (hơn 6.000MW). Đó là chưa kể, phần lớn công trình điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TPHCM hiện nay đều do hộ gia đình đầu tư (chiếm 88% tổng số công trình) với quy mô nhỏ; tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia vẫn còn thấp. 

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, một số nhà cung cấp điện mặt trời, tổ chức tài chính đã có các bài tham luận về giải pháp kỹ thuật, giải pháp tài chính cho từng nhóm khách hàng cụ thể. Qua đó, giúp khách hàng hộ gia đình/doanh nghiệp có cái nhìn đầy đủ về lợi ích của điện mặt trời mái nhà để nghiên cứu, đầu tư.

Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, đại diện Công ty SolarBK, đối với các doanh nghiệp có diện tích mái nhà từ 3.000 - 10.000m2, công ty sẽ cùng đầu tư với doanh nghiệp với tỷ lệ góp vốn từ 70% đến 100%. SolarBK sẽ thiết kế, thi công lắp đặt toàn bộ hệ thống và chịu trách nhiệm bảo trì, vận hành. Doanh nghiệp sử dụng toàn bộ sản lượng điện mặt trời tạo ra với giá rẻ hơn ngành điện và được sở hữu hệ thống sau thời gian hợp tác...

Tương tự, các nhà cung cấp khác như: công ty như Vietnam Eco Solution (VES), Công ty cổ phần năng lượng TTC... cũng đưa ra những giải pháp phối hợp đầu tư và chuyển giao hệ thống, với nhiều ưu đãi khác nhau, phần lớn là các giải pháp về tài chính, chính sách vận hành, bảo hành để tạo cho người dân TPHCM dễ tiếp cận công nghệ dịch vụ và việc sử dụng năng lượng mặt trời trở nên phổ biến.

Đại diện ngân hàng HDBank (ngân hàng Phát triển TPHCM) cho biết, ngân hàng này có chính sách cho vay 70% chi phí lắp đặt đối với khách hàng doanh nghiệp và doanh nghiệp cá nhân với tài sản đảm bảo chính là hệ thống điện mặt trời áp mái. Theo đại diện của HDBank, tính đến tháng 3/2020, ngân hàng này đã cấp tín dụng cho nhiều dự án điện mặt trời áp mái trên cả nước với số tiền là 1.200 tỷ đồng. 

Còn theo đại diện Công ty tài chính cổ phần điện lực (EVN Finance), công ty này đưa ra gói tài chính thiết kế riêng cho khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, với mục tiêu giải ngân 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2022.

Tại TPHCM, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chương trình hành động số 37-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 - 2045; trong đó, đặt ra mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện TP đạt tối thiểu 15% (tương ứng trên 1.000MW vào năm 2025 và từ 1.330MW vào năm 2030).

Anh Thư