Địa lý nhân văn có những đóng góp quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Thứ năm, 9/11/2023 | 10:52 GMT+7
Tại hội thảo khoa học quốc gia “Địa lý nhân văn trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam (SDG) đến năm 2030” diễn ra ngày 8/11, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp để địa lý nhân văn tham gia hiệu quả vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung, phát triển bền vững theo lãnh thổ, theo ngành và lĩnh vực nói riêng.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, phát triển bền vững đã và đang trở thành xu hướng, mục tiêu của nhân loại. Phát triển bền vững xác lập các mục tiêu cụ thể cho một giai đoạn nhất định của sự phát triển để đạt cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; từng bước xây dựng môi trường kinh tế - xã hội thích hợp để tạo ra môi trường nhân tạo tối ưu nhất trong mối quan hệ giữa sự vận động của môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế - xã hội theo không gian và thời gian.

Hội thảo khoa học quốc gia lần này được tổ chức với mục tiêu giới thiệu các thành tựu khoa học mới, trao đổi kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học địa lý, nhà khoa học liên ngành liên quan đến việc thực hiện các SDG đã được Chính phủ xác định trong Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 về phát triển bền vững đến năm 2030.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, gợi mở một số vấn đề mới về lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp về đóng góp của địa lý nhân văn trong thực hiện các SDG của Việt Nam nói chung, phát triển bền vững theo lãnh thổ, theo ngành và lĩnh vực nói riêng. Các giải pháp cần tập trung đến xây dựng và thực hiện thể chế về phát triển bền vững; xây dựng nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển triển bền vững của quốc gia.

Quang cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn đánh giá, đây là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định vai trò và sự đóng góp quan trọng của khoa học địa lý trong thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững Việt Nam; đồng thời là diễn đàn để các bên từ nhiều ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội công bố, chia sẻ nghiên cứu về phát triển bền vững.

Tại hội thảo, ban tổ chức đã lựa chọn trình bày 42 bài tham luận ở các khía cạnh của địa lý nhân văn và phát triển bền vững, phân thành 5 chủ đề gồm: địa lý nhân văn trong thực hiện SDG Việt Nam; địa lý nhân văn đối với phát triển bền vững theo lãnh thổ; địa lý nhân văn đối với phát triển bền vững ngành và lĩnh vực; xây dựng nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển triển bền vững; ứng dụng công nghệ địa lý - GIS trong hỗ trợ và giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tham gia thảo luận tại hội thảo, ông Lê Thanh Hòa, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh góp ý, cách tiếp cận địa lý nhân văn cho các SDG là cách tiếp cận liên ngành và tổng hợp phục vụ phát triển bền vững với mục đích tích hợp mô hình, phương pháp đánh giá, phân tích của địa lý nhân văn vào các mục tiêu phát triển bền vững. Phương pháp nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch kết quả đánh giá các SDG giữa các quốc gia, sử dụng công nghệ hiện đại để tìm giải pháp cho một số vấn đề cấp bách như biến đổi môi trường, biến động dân cư, mất đa dạng sinh học, đô thị hóa không bền vững, bất bình đẳng toàn cầu.

Bên cạnh đó, địa lý nhân văn có nhiều đóng góp cho việc phân tích, đánh giá các SDG thông qua việc thiết lập cách tiếp cận liên ngành và tổng hợp để giải thích sự tương tác của các tiêu chí phát triển bền vững (12/17 tiêu chí có thể tiếp cận ở góc độ địa lý nhân văn) liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường theo không gian lãnh thổ toàn cầu…

Việt Nga (T/H)