Sắc màu cuộc sống

Du lịch đường sông: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Thứ năm, 8/2/2018 | 14:24 GMT+7
Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt với nhiều khung cảnh nên thơ, lãng mạn, các khu di tích lịch sử, văn hóa gần sông rất thích hợp cho phát triển du lịch. Tuy nhiên các tour du lịch đường sông hoặc “chết yểu” hoặc phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng.

5 khách du lịch chỉ 1 khách đi đường thủy

TP. HCM chi hơn 20 tỷ xây 11 bến tàu du lịch nhưng tất cả đều vắng hoe. Bến thuyền kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè, tuyến du lịch nội đô nổi tiếng nhất của TP.HCM, thường xuyên rơi vào cảnh vắng khách. Theo một thống kê, cứ 5 du khách đến TP.HCM chỉ có một khách trải nghiệm tour du lịch liên quan đến đường thủy.

Tại Thủ đô Hà Nội, tour du lịch đường sông thăm di tích lịch sử như đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Bát Tràng… thường xuyên rơi vào cảnh vắng khách.

Theo báo cáo của Tổ chức du lịch thế giới, một trong những thế mạnh của khu vực vùng sông Mêkông là đa dạng các dân tộc, lịch sử lâu đời, có phong cảnh đẹp, con người thân thiện, an toàn, nhiều di sản được UNESCO công nhận… mở ra các cơ hội như mở rộng các tuyến du lịch, tăng cường kết nối du lịch đường sông giữa các địa phương có các cảng lớn...Tuy nhiên du lịch đường sông còn bị bỏ qua hoặc khai thác chưa đầy đủ.

Tình trạng trên còn xảy ra tại các tỉnh thành khác trên cả nước. Phú Thọ với nền văn minh sông Hồng, được thiên nhiên ưu đãi đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, hệ thống sông ngòi xen kẽ với nhiều con sông lớn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử với gần 370 lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa cội nguồn dân tộc, trong đó có nhiều di sản ở gần các con sông lớn. Tuy nhiên, du khách đến Phú Thọ theo các tour đường sông còn hạn chế.

Giải thích về vấn đề này, bà Phùng Thị Hoa Lê - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ. Cho rằng, tỉnh Phú Thọ có chủ trương phát triển du lịch đường sông, tuy nhiên đây mới là giai đoạn bắt đầu có doanh nghiệp khai thác nên bộc lộ hạn chế do thiếu nhiều điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư tàu du lịch, chưa có điều kiện xúc tiến quảng bá đến các thị trường trọng điểm.

Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhìn nhận, hiện nay, hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu trên các tua tuyến khá thiếu và yếu về chất lượng. Bên cạnh đó, một số vấn đề như nguồn nước ô nhiễm nặng, kênh rạch bị lấn chiếm nhiều, cảnh quan còn đơn điệu, độ tĩnh không thấp, khó cho tàu thuyền lưu thông... cũng kìm hãm quá trình phát triển của loại hình này. Đáng lưu ý, khu vực neo đậu cho phương tiện thủy vẫn chưa được xác định, qua đó ngăn cản nhiều loại hình phương tiện vận tải phát triển tại thành phố.

Đa dạng hóa các loại hình phụ trợ

Theo kế hoạch phát triển du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020 vừa ban hành, số lượng khách du lịch đường thủy đến TP năm 2017 - 2018 đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm, dự báo tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo.

Mới đây, UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp xây hệ thống bến đường thủy ven sông Sài Gòn để phát triển du lịch. Chính quyền thành phố khẳng định việc khắc phục ngay những điểm yếu về hạ tầng sẽ ngay lập tức góp phần tăng doanh thu từ du lịch đường thủy. Ngoài việc chi ngân sách xây dựng 11 bến thuyền du lịch, chính quyền thành phố cũng đã phê duyệt danh mục xây dựng 21 bến tàu do tư nhân đầu tư.

Còn tại Phú Thọ bà Hoa cho biết, để du lịch đường sông phát triển cần một quá trình lâu dài, không thể một sớm, một chiều mà có thể mạnh ngay được. Cần chuẩn bị rất nhiều các điều kiện cho sản phẩm du lịch đường sông như: Xây dựng và cấp phép hoạt động bến tàu du lịch đường sông; sản phẩm du lịch và dịch vụ phục vụ tuyến du lịch đường sông; quy hoạch và đầu tư giao thông kết nối điểm đón từ đường sông lên đường bộ theo lịch trình… Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm du lịch đường sông tại các thị trường trọng điểm để khách du lịch dễ tiếp cận; sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư tàu du lịch chở khách, mở các văn phòng đại diện tại nước ngoài…

Trong khi đó, TS Nguyễn Khắc Thuần, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỷ lục, cho rằng thực chất đi đường thủy là để hiểu những cái trên bờ. Vì vậy, cần phải bố trí để khách tham quan các di tích lịch sử, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa 2 bên bờ sông, bờ kênh. Phải xây dựng các bến đỗ, không cần thiết phải làm các con đường đổ bê tông quá lớn, chỉ cần đủ cho các xe trung chuyển phục vụ khách đến điểm tham quan. Ở những nơi đặc biệt, có thể dùng xe điện hay thậm chí là các phương tiện đơn giản như xe ngựa, tận dụng hết những gì độc đáo của Việt Nam, tạo ấn tượng cho du khách.

Huyền Châu